Englishen

Phát triển du lịch biển đảo: Cần chú trọng phát triển đội tàu du lịch

Thứ năm, 03/03/2022, 13:36 GMT+7

Các doanh nghiệp còn ngần ngại trong việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến tàu biển du lịch.

TSTtourist-phat-trien-du-lich-bien-dao-can-chu-trong-phat-trien-doi-tau-du-lich-1

Sau đại dịch COVID-19, Du lịch biển chiếm 70% lượng khách du lịch nội địa trong nước và mang lại giá trị to lớn cho nền kinh tế. Trong những năm qua, du lịch biển đảo phát triển nhanh chóng ở Việt Nam và dự báo sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành thẳng thắn nhìn nhận hiện nay còn nhiều bất cập hạn chế có thể kìm hãm sự tăng trưởng này, một trong số đó là chất lượng các đoàn tàu vận tải du lịch biển.

"Chưa thực sự có tàu 5 sao"

Nhận định phát triển là vậy nhưng khi được hỏi về việc mạnh dạn đầu tư tàu biển để đón đầu thị trường du lịch trong thời gian tới, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ ngần ngại.

Theo quy định của Bộ GTVT, các doanh nghiệp tham gia khai thác vận tải hành khách tuyến biển đảo phải tuân thủ bộ quy tắc, tiêu chuẩn về tàu vận tải du lịch/ Tàu chở khách đăng kiểm biển phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn tàu biển như độ vững chãi, độ kín khi sóng lớn, khả năng chiều dài (gối trên 2 hoặc 3 bước sóng), độ rung lắc của tàu khi vận hành trong thời tiết sóng biển, gió biển không thuận lợi. 

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: "Hầu hết các hãng tàu hiện nay đều phải "linh động", nếu mà đóng tàu quá an toàn, tiện nghi như tiêu chuẩn quốc tế thì sức đầu tư rất cao, cho nên các doanh nghiệp phải hạ thấp tiêu chuẩn về tiện nghi và độ dài, độ lớn của con tàu, hoạt động ở vùng biển nào thì đầu tư con tàu phù hợp ở vùng biển đó, cho nên không con tàu nào giống con tàu nào, ví dụ tàu khách biển phù hợp hoạt động ở vùng biển Rạch Giá  - Phú Quốc không có nghĩa phù hợp với tàu hoạt động tại khu vực Côn Đảo, Phú Qúy hay Lý Sơn…"

tsttourist-phat-trien-du-lich-bien-dao-can-chu-trong-phat-trien-doi-tau-du-lich-2Tàu cao tốc của công ty GREENLINESDP

Không chỉ "linh động" trong áp dụng quy chuẩn đóng tàu du lịch biển, các doanh nghiệp cũng ‘thỏa hiệp’ trong nghiên cứu thiết kế các mẫu tàu vận tải du lịch biển hiện nay, đương nhiên phải đảm bảo vấn đề an toàn. 

Ông Trần Song Hải - Tổng giám đốc công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP - Greenlines DP (TP Hồ Chí Minh) - một doanh nghiệp chuyên cung cấp hệ thống động lực phục vụ đóng tàu cao tốc, cũng là chủ đầu tư của nhiều hãng tàu khách du lịch nội địa nhận định, những lớp tàu hiện đại gần đây Việt Nam chỉ mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài, tiêu chuẩn của các loại nội thất, khoảng cách cự ly của lối đi là tiêu chuẩn Việt Nam, chưa thể bằng tiêu chuẩn quốc tế nên tàu nhìn thì đẹp nhưng thực sự chưa thể gọi là tàu 5 sao.

"Tôi muốn nhấn mạnh đến kích thước của những con tàu, ví dụ tàu 600 khách ở Châu Âu có thể dài 130m, rộng 25m và có thể chở được hàng trăm ô tô, những con tàu như thế trị giá lên đến vài trăm triệu USD. Với lãi suất vốn vay và giá vé tại Việt Nam các doanh nghiệp chưa thể giải bài toán huề vốn chứ đừng nói là có lãi. Cho nên đó là lý do quan trọng nhất tàu du lịch biển của chúng ta chưa thực sự 5 sao và tiến tới chuẩn 5 sao quốc tế chúng còn phải đi một con đường rất dài."

Làm vận tải du lịch biển như ‘ăn cám, trả vàng’

Chi phí đầu tư quá cao và thu về lợi nhuận ít khiến các doanh nghiệp chỉ  sử dụng tàu chỉ ở mức độ ‘thoả hiệp’. Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: "Đầu tư du lịch biển có nhiều khó khăn, vốn đầu tư lớn, khấu hao nhanh, rủi ro nhiều, an toàn cho lao động và du khách. Chúng tôi hay nói với nhau trong ngành là dịch vụ biển đảo là "ăn cám, trả vàng". Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ bị áp lực và bỏ qua các qui định an toàn, đón vượt số lượng chỗ ngồi so với qui định."

Cùng quan điểm, ông Trần Song Hải - Tổng giám đốc GreenlinesDP phân tích thêm, cái khó lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giá vé tàu quá thấp. Cùng tuyến đường vận tải đến các hòn đảo du lịch, nhưng hiện nay, giá vé mà các doanh nghiệp vận tải tàu biển trong nước đưa ra chỉ bằng 30% giá mà các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... cung cấp. 

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần du lịch Biển Đảo (tỉnh Quảng Nam) nêu một cái khó khác là từ khi chuyển đổi từ tàu SI sang tàu SB bịt kín doanh nghiệp cảm thấy không an toàn. Yêu cầu lắp đặt thiết bị cho tàu SB quá nhiều gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhưng đưa vào sử dụng không vận hành đến lại mau xuống cấp.

TSTtourist-phat-trien-du-lich-bien-dao-can-chu-trong-phat-trien-doi-tau-du-lich-3Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân nhắc đầu tư

Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp tăng giá vé, tận thu để cải thiện tàu du lịch biển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch biển với các doanh nghiệp mà nói là điều tối kỵ. Bởi dịch bệnh COVID-19 vừa ổn định, du lịch nội địa mới phục hồi, việc tăng giá sẽ khiến người dân e dè với du lịch biển. 

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, để đảm bảo du lịch biển an toàn, chất lượng: "Cần có sự giám sát chặt chẽ các cấp ngành, kiểm định thường xuyên tàu biển, kiểm soát nghiêm túc số lượng người đăng ký ra vào đảo. Nang cao vai trò dự báo thời tiết tại đảo, đảo bảo thời tiết thực sự trong xanh, êm dịu thì mới cho tàu ra đảo."

Trong khi đó, ông Trần Song Hải nhấn mạnh vào giải pháp cải thiện chất lượng cầu tàu bến bãi tại các điểm khai thác vận tải hành khách hiện nay, "Cảng tàu bến bãi tại các bến cảng du lịch của mình hầu hết chỉ có cầu cảng mái che, chỗ ngồi thiếu, thiếu tiện nghi, dịch vụ rất hạn chế…với bến tàu như vậy thì bạn đầu tư những con tàu "hoa hậu" hiện đại cập vào đó được cái gì." – ông nhận xét.

(Nguồn: Đào Huyền, VTV, Thứ năm, ngày 03/03/2022, 08:30 (GMT+7))