Englishen

Những công trình kiến trúc trăm năm ở quận Gò Vấp

Thứ hai, 29/08/2022, 09:02 GMT+7

Những công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm tuổi ngay trong lòng quận Gò Vấp một lần nữa khẳng định: giữa Sài Gòn xa hoa, phồn thịnh luôn có những điểm đến đầy hoài niệm, mang đậm dấu ấn của thời gian.

Một bên của Phù Châu Miếu là phường An Phú Đông, quận 12 và một bên là bến đò xuất phát từ quận Gò Vấp - Ảnh: T.T.D.

Quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa nghiên cứu, cùng doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác dòng tour du lịch trải nghiệm "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa". 

Dịp lễ 2-9 năm nay, du khách có thể dành thời gian đến đây để trải nghiệm một Gò Vấp cổ kính với các điểm đến có công trình kiến trúc, làng nghề lịch sử trên 100 năm. 

Phù Châu Miếu

Ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật, là một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng. Miếu được tạo dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Trước năm 1975, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định.

Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, miếu Nổi đã trở thành một ngôi miếu khang trang bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa. 

Cận cảnh Phù Châu Miếu với những nét kiến trúc đặc trưng của nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ... Ảnh: T.T.D.

Mặt tiền miếu quay về hướng Nam, được cất theo chữ tam (三), gồm ba tòa nhà nối liền nhau bởi sân thiên tỉnh. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng phượng… rất tinh xảo, có tính nghệ thuật cao.

Phù Châu Miếu được UBND TP.HCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 1761/QĐ-UBND ngày 10-4-2014.

Đình Thông Tây Hội 

Ông Nguyễn Văn Tý, trưởng ban quản lý di tích đình Thông Tây Hội (phường 11, quận Gò Vấp), cho biết đây là ngôi đình cổ nhất vùng đất Gia Định xưa, được xây dựng đầu tiên khoảng năm 1698, sau nhiều lần trùng tu năm 1883 đình được làm lại với 156 cây cột trên diện tích 761m2, vẫn giữ gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ (thế kỷ 17-19) - Ảnh: T.T.D.

Ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và miệt đất phương Nam còn tồn tại đến nay. Đình Thông Tây Hội được xây dựng trong khoảng năm 1698 tại làng Hạnh Thông tỉnh Gia Định, hiện còn lưu giữ hiện vật quý gồm các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối và trang thờ…

Năm 1944, làng Hạnh Thông Tây và An Hội sáp nhập, đình là nơi thờ cúng chung của hai làng và từ đó có tên là đình Thông Tây Hội. Đình đã trải qua hai lần trùng tu lớn vào các năm 1896 và 1927 nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ thế kỷ 18 và 19. 
Kiến trúc đình có hình chữ “đinh” gồm hai trục song song với nhau: trục dài (trục chính) gồm các tòa nhà võ ca, tiền điện, trung điện, chính điện; trục ngắn (trục phụ) là nhà hội sở.

Nét độc đáo nhất trong kiến trúc của đình thể hiện ở phần chính điện. Chính điện gồm hai tòa nhà kiến trúc kiểu tứ trụ, mái ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc chính điện có tượng “lưỡng long tranh châu” bằng gốm men xanh. 

Sau nhiều lần trùng tu, năm 1883 đình được làm lại với 156 cây cột trên diện tích 761m2, vẫn giữ gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ (thế kỷ 17-19) - Ảnh: T.T.D.

Phía trước chính điện có ba án gỗ hình vuông lớn kiểu chân quỳ được khảm mảnh trai tinh xảo hình chim, hoa. Ở giữa là bàn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh bằng gỗ (làm năm 1927) được chạm lọng, chạm nổi hình rồng chầu mặt trời rất sinh động… Tác phẩm chạm khắc đặc sắc nhất là trang thờ Thần, được chạm khắc theo đề tài “lưỡng long triều nguyệt”…
Đặc biệt, có một số bức hoành phi được xếp vào những bức hoành phi tiêu biểu trong các di tích kiến trúc nghệ thuật ở TP.HCM, như: bức hoành phi “Kính như tại” (cung kính như thần có tại chỗ) niên đại 1881 và “Chung linh dục tú” (linh khí hội tụ) niên đại 1906; bức hoành phi “Quốc thái dân an” (nước thịnh dân mạnh)....

Hôm 26-8, trong chuyến khảo sát đến ngôi đình này, đoàn khảo sát do bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP, dẫn đầu đã trồng cây lưu niệm cây vấp - một loại cây đặc trưng gắn với địa danh của quận. 

Nhà thờ Hạnh Thông Tây 

Bên ngoài nhà thờ Hạnh Thông Tây - Ảnh: T.T.D.

Nhà thờ do ông Denis Lê Phát An (cậu ruột của hoàng hậu Nam Phương) cho xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu. Trong nhà thờ còn có hai ngôi mộ vợ chồng ông Lê Phát An là cách để tưởng nhớ công của ông bà đã đóng góp cho giáo dân nơi đây, là một đặc ân đặc biệt hiếm có trong Công giáo. 

Tồn tại và phát triển gần 100 năm, nhà thờ Hạnh Thông Tây vẫn còn lưu giữ những giá trị kiến trúc ban đầu, góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại TP.HCM. 

Nội thất nhà thờ được trang trí tỉ mỉ, công phu. Ở mái vòm dọc theo chiều dài nhà thờ được trang trí những bức phù điêu hình vuông chạm khắc hoa văn tinh xảo. Hai hàng cột kéo dọc hai bên nhà thờ được đắp nổi điêu khắc mỹ thuật. 

Cha sở Giuse Phạm Đức Tuấn giới thiệu cho khách về lịch sử xây dựng của nhà thờ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp - Ảnh: T.T.D.

Giữa các cột là kết cấu dạng vòm. Xen kẽ giữa những ô cửa sổ kính màu sặc sỡ là những bức phù điêu thếp vàng óng ánh. Đặc biệt, khu cung thánh được trang trí đầy ấn tượng và tỉ mỉ, bàn thờ trên cung thánh được làm bằng đá cẩm thạch của Ý. 

Xung quanh tường và trần được trang trí các bức tranh khảm gạch theo kiểu Mosaic.
Làng nghề đúc lư đồng

Cô Phạm Thị Liên (chủ cơ sở đúc lư đồng Ba Cồ, phường 12, quận Gò Vấp) giới thiệu công đoạn làm khuôn đúc lư cho khách tham quan - Ảnh: T.T.D.

Một điểm đến cũng khá thú vị khi đến Gò Vấp mà du khách không thể bỏ qua đó là làng nghề đúc lư đồng. Theo sử sách, nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ 18. Khi đó, có hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem nghề đúc đồng về phát triển ở Phú Lâm, rồi chuyển về làng An Hội cho tới nay. 

Thời thịnh vượng, cả khu vực An Hội có trên 30 hộ theo nghề này. Đa số họ di cư từ các tỉnh miền Trung vào. Đến nay An Hội vẫn còn 4-5 hộ gia đình giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu. 

Mặc dù làm nghề khá vất vả, trải qua 7 công đoạn hoàn toàn thủ công để ra được sản phẩm nhưng làng nghề đang tạo nên nhiều giá trị quý báu, trước hết là ý nghĩa truyền thống, sự đam mê, gắn bó với nghề, tất cả đã tạo nên nét đẹp và sự khác biệt của Gò Vấp.

(Nguồn: N.BÌNH, Tuổi Trẻ, 27/08/2022, 14:46 (GMT+7))