Englishen

Nhộn nhịp khách du lịch quốc tế dịp cuối năm

Thứ năm, 10/11/2022, 08:41 GMT+7

Dù đã qua mùa cao điểm du lịch hè, nhưng du lịch Việt Nam đang bước vào cao điểm thu hút khách quốc tế, từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau.

Dữ liệu từ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục có xu hướng tăng, cao hơn khoảng 20% so với tháng 9 và cao gấp 11 lần so với tháng 3 của năm nay, thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn du lịch.

Không chỉ lượng tìm kiếm, nếu nhìn vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10, có thể thấy nhiều tín hiệu khởi sắc.

Phố đi bộ Hồ Gươm vào ngày cuối tuần có rất nhiều người tới vui chơi, trong đó có thể bắt gặp những vị khách nước ngoài. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm đã có những tín hiệu tích cực. Ví dụ như trong tháng 10, đã có hơn 480.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng hơn 12% so với tháng trước đó.

Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt bình quân 42,7%/tháng. (Ảnh: Dân trí)

"Chúng tôi đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời tại Hà Nội, Sa Pa, Hạ Long… Chúng tôi sẽ ở đây khoảng 2 tuần", du khách Bỉ chia sẻ.

"Giá cả ở đây khá rẻ. Chúng tôi đã mua một ít quà lưu niệm, cà phê, tiêu và trà", một du khách Bỉ khác cho biết.

Tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 2,3 triệu lượt, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, khách đến từ Hàn Quốc là nhiều nhất, với hơn 619.000 lượt, tương đương 26,3%.

"Bắt đầu từ quý 3, từ tháng 9, 10, du khách tăng hơn so với quý 1 và 2. Hiện tại, du khách vào Việt Nam có Hàn Quốc là đông nhất, tiếp theo là khách từ Mỹ vào Việt Nam", bà Bùi Thục Anh, Giám đốc công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng, thông tin.

Ngoài những du khách tại các thị trường truyền thống, một số thị trường khách mới như Ấn Độ, Trung Á, Nam Mỹ và Bắc Âu... cũng đã nhộn nhịp, giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tích cực trong những tháng cuối năm.

Theo Tổng cục Du lịch, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt bình quân 42,7%/tháng.

TP Hồ Chí Minh "tăng tốc" hút khách quốc tế

Nhiều tín hiệu tích cực đã thấy, tuy nhiên nếu nhìn vào con số 5 triệu lượt khách quốc tế Tổng cục Du lịch đặt ra cho cả năm thì vẫn còn thiếu hơn 50%, trong khi thời gian còn lại chỉ có 2 tháng.

Do đó, các địa phương và doanh nghiệp làm du lịch càng phải đẩy nhanh, tăng tốc quá trình thu hút khách quốc tế. Tại TP Hồ Chí Minh - "cửa ngõ" hút khách quốc tế lớn nhất cả nước, không ít hoạt động đang được ngành du lịch triển khai.

Vừa qua,Công ty Du lịch TST nhận được 40 yêu cầu tìm hiểu tour, tuyến từ các quốc gia châu Âu, Australia, Ấn Độ… Nhu cầu khách quốc tế quan tâm nhiều hơn đến yếu tố nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa lịch sử.

"Thời gian vừa qua, Việt Nam có sự đầu tư rất cẩn thận về điểm đến, cũng như các cơ sở hạ tầng mới mang tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao được ra đời khá nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để khi xây dựng sản phẩm, chúng tôi giới thiệu những điểm nhấn đó và du khách rất quan tâm", ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông, marketing Công ty Du lịch TST, cho biết.

Trong tháng 10, lượng khách quốc tế thông qua công ty du lịch Vietravel đã tăng 9% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch thì lượng khách quốc tế chỉ bằng 60%. Để thu hút khách, doanh nghiệp chủ động tìm thị trường mới.

"Chúng tôi đã tổ chức các chương trình xúc tiến tại Thái Lan, Kuwait, Qatar. Trong tháng 11 này, chúng tôi xúc tiến các chương trình tại Ấn Độ, Nam Âu để chúng tôi tập trung vào nhóm những thị trường khách nguồn mà có đường bay thuận tiện đến Việt Nam", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc công ty du lịch Vietravel, chia sẻ.

Thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, lượng khách quốc tế đến với thành phố trong tháng 10 đạt hơn 546.000 lượt, nâng tổng lượng khách trong 10 tháng đạt gần 2,7 triệu lượt, bằng 76% kế hoạch năm. Để hoàn thành kế hoạch đón khách quốc tế trong năm, ngành du lịch thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút khách.

Theo đó, ngành du lịch tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cung ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ…, đặc biệt là xây dựng chuỗi chương trình, lễ hội từ nay đến cuối năm.

Khách du lịch nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh sau dịch. (Ảnh: PLO)

"Mở màn là Tuần lễ Du lịch TP Hồ Chí Minh, kèm theo đó là Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô, Lễ hội Khinh khí cầu… Khi du khách đến với thành phố, họ có thể ở dài hơn và chi tiêu nhiều hơn", ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Ngoài ra, ngành du lịch vận động doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến khách quốc tế từ 13 quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam.

Hàng không tăng chuyến, đa dạng dịch vụ đón "sóng" khách quốc tế

Ngoài các điểm đến, ngành hàng không cũng đang có nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế, đón "sóng" mùa cao điểm. Trong tổng số hơn 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không chiếm đến 88,8%.

Ngoài ra, khách Việt đi du lịch nước ngoài cũng chủ yếu bằng phương thức vận tải này. Theo các công ty lữ hành, đối với các tuyến du lịch bằng đường hàng không, vé máy bay chiếm khoảng 60% giá bán tour.

Hãng Singapore Airlines cho biết, đã khôi phục hoàn toàn các chuyến bay giữa Việt Nam và Singapore như thời điểm trước dịch COVID-19. Hiện họ đang khai thác 14 chuyến bay từ Hà Nội, 19 chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh và 7 chuyến bay từ Đà Nẵng mỗi tuần đến Singapore và ngược lại.

Thông qua một Ngày hội Du lịch, hãng này cũng đưa ra hàng loạt giá vé máy bay và các gói du lịch giá hợp lý, kích thích du khách tới các điểm đến nổi tiếng.

"Chúng tôi kỳ vọng triển vọng du lịch trong thời gian còn lại của năm 2022 sẽ tích cực và mạnh mẽ. Với các hoạt động quy mô lớn như Hội chợ Du lịch "Time to Fly", chúng tôi mong muốn tiếp tục xây dựng trên đà phát triển này vào năm 2023 và hơn thế nữa", bà Rimmel Choong, Giám đốc khu vực miền Bắc, Singapore Airlines, nói.

Trong tổng số 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm nay có 1,66 triệu lượt đến từ khu vực châu Á, chiếm hơn 70%, kế đến là từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và châu Phi.

Tùy thuộc và sự hồi phục lượng khách của từng thị trường, các hãng bay cũng sẽ tăng tần suất các chuyến tương ứng.

"Đối với mạng đường bay quốc tế, chúng tôi cũng đã triển khai tập trung tăng tải mạnh vào các tuyến đường giữa Việt Nam và Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đối với khu vực đường dài nối giữa Việt Nam và châu Âu, cũng như Việt Nam - Australia, Việt Nam - Mỹ", bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm, Vietnam Airlines, cho hay.

"Chúng tôi đã tăng số chuyến bay đến Franfurk (Đức) và UK từ 1 lên 2 chuyến/tuần. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng các chuyến bay đến Nhật, Hàn, Đài, Singapore và Thái Lan", ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc phụ trách Thương mại, Bamboo Airways, thông tin.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam di chuyển bằng đường hàng không gấp 24,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia trong ngành dự báo, con số này sẽ còn tăng cao trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, khi đây được xem là khoảng thời gian cao điểm của du lịch quốc tế.

Sự cố gắng của cả ngành du lịch, từ các doanh nghiệp tới địa phương đã giúp tổng thu từ khách du lịch trong 10 tháng đầu năm ước đạt 425.000 tỷ đồng, tương đương 74% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Những tháng cuối năm, với sự nới lỏng về hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia, ngành công nghiệp không khói được kỳ vọng sẽ có những sự phục hồi mạnh mẽ hơn.
(Nguồn: VTV Digital, Thứ năm, ngày 10/11/2022, 06:28 (GMT+7))