Englishen

Nhiều quốc gia châu Âu gặp khó khi mở lại du lịch

Thứ năm, 10/03/2022, 16:48 GMT+7

Các quốc gia vốn là điểm đến nổi tiếng như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha... đang đối mặt với lạm phát, thiếu nhân lực, xu hướng du lịch thay đổi.

Hy Lạp, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, đang chứng kiến lượng khách tăng đáng kể sau hai năm thất thu vì đại dịch. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy... cũng tương tự. Đại dịch đã làm thay đổi bộ mặt ngành du lịch khi nhân sự lao động thiếu hụt. Các khách sạn vật lộn với hóa đơn nhiên liệu và lạm phát, những điều này ngày càng tăng sau căng thẳng Nga - Ukraine.

Các nhà chức trách Italy thừa nhận, chất lượng vệ sinh và không gian là thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng cũ kỹ của nước này. "Trong thời kỳ hậu Covid-19, khách du lịch thậm chí còn để ý hơn đến chất lượng. Họ muốn đảm bảo vệ sinh và muốn an toàn", Marina Lalli, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Federturismo tại Italy, cho biết. Đó là áp lực vô hình, khiến các khách sạn cần phải thay đổi.

TSTtourist-nhieu-quoc-gia-chau-au-gap-kho-khi-mo-lai-du-lich-1Du khách tham quan đền Parthenon ở Athens, Hy Lạp vào 26/2 - Ảnh: Louiza Vradi/Reuters

Lạm phát tăng, lãi suất giảm

Cầm trên tay một hóa đơn tiền điện, Dimitris Diavatis, chủ một khách sạn ở Hy Lạp, tiêu tan mọi hy vọng trở lại như trước đại dịch, ngay cả khi lượng khách đang đông. Số tiền cần trả cao hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái, khi khách sạn chưa mở. "Chúng tôi dự kiến sẽ không kiếm nổi một đồng lợi nhuận", Diavatis nói.

Giá dầu, khí đốt và điện tăng vọt khiến Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hy Lạp SETE, Yiannis Retsos, viết thư cho các bộ trưởng vào hồi tháng một kêu gọi hỗ trợ tài chính. Hiệp hội này khẳng định những khách sạn mở quanh năm không có khả năng chi trả mọi khoản phí vận hành, đặc biệt vào những tháng thấp điểm.

Giá khí đốt ở châu Âu ở mức cao kỷ lục và căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine tăng khả năng lạm phát, giảm mức chi tiêu của du khách và gia tăng kinh phí của các nhà cung cấp. Chính phủ Hy Lạp đã chi hơn 42 tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ dịch bệnh từ năm 2020 để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và khoảng hai tỷ euro kể từ tháng chín năm ngoái, để trợ cấp hóa đơn điện đến hết tháng ba năm nay. Với các chủ khách sạn, hỗ trợ vẫn chưa đủ.

Chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Diavatis cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng thực sự với chúng tôi. Tôi sẽ không nói nó tệ hơn thời đại dịch bởi ít nhất du lịch đang mở cửa. Nhưng hồi đó chúng tôi không thu và không mất, còn giờ thì đang mất tiền".

TSTtourist-nhieu-quoc-gia-chau-au-gap-kho-khi-mo-lai-du-lich-2Một khu nghỉ dưỡng ở đảo Corfu, Hy Lạp nhìn từ trên cao - Ảnh: Adonis Skordilis/Reuters

Costas Merianos, người sở hữu một khách sạn nhỏ do gia đình tự quản trên bờ biển Ionian ở đảo Corfu, Hy Lạp, cho biết: "Vào mùa hè, điều hòa, tủ lạnh, nhà bếp, mọi thứ đều hoạt động. Tôi không biết khó khăn này khi nào sẽ kết thúc. Tôi sẽ rất vui nếu vào cuối mùa du lịch, tôi không nợ nhân viên, nhà nước, hay nhà cung cấp năng lượng, dù chỉ còn 10 euro trong túi".

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp Exceltur, Jose Luis Zoreda, nhu cầu nghỉ dưỡng tại Tây Ban Nha năm nay tăng mạnh nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch ở các thị trường lớn của nước này là Anh và Đức. "Thị trường sẽ bùng nổ từ lễ Phục sinh, nhưng tỷ suất lợi nhuận cũng thấp hơn do lạm phát và giá năng lượng", Zoreda dự đoán.

Khát nhân lực

Hy Lạp khởi động mùa du lịch từ tháng ba năm nay để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên quốc gia này cũng như Italy, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, mùa du lịch chỉ thực sự bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng tư - một phép thử cho những tháng hè.

Hy Lạp và Italy đang chạy đua để lấp đầy tình trạng thiếu nhân lực du lịch, bởi đại dịch buộc người lao động phải ra nước ngoài để làm những công việc trái ngành, nhưng ít bấp bênh hơn.

Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp kêu gọi những người tị nạn chạy khỏi Ukraine, cung cấp cho họ giấy phép cư trú và lao động để lấp đầy khoảng 50.000 vị trí việc làm còn trống trong lĩnh vực khách sạn.

Xu hướng thay đổi

Giữa những rối ren về lạm phát, một thị trường cho các kỳ nghỉ quy mô nhỏ, khiêm tốn hơn đang mở ra. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tâm lý e ngại di chuyển đường dài của nhiều du khách đang làm nổi bật xu hướng lưu trú ở các vùng nông thôn trong lều, trại hoặc nhà di động.

Khách du lịch đến châu Âu đang có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm du lịch ít ồn ào và riêng tư hơn. Năm 2021, giá thuê khu cắm trại tăng 19,2%, giá thuê căn hộ tăng 16%, khu nghỉ dưỡng nông thôn tăng 11%. Lưu trú ở khách sạn giảm 8%, điều này cũng ảnh hưởng một phần do lượng khách đi công tác giảm.

Hồi tháng một, những mẫu nhà di động và xe camper van đạt doanh thu tăng 34,1% so với cùng kỳ, theo Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Caravan Tây Ban Nha (ASEICAR). "Mô hình kỳ nghỉ trọn gói dần bị lãng quên", đại diện Yescapa, một công ty chuyên cho thuê nhà di động và xe camper van, cho hay.

Helder Martins, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn của Algarve (Bồ Đào Nha), cho biết: "Ngày càng có nhiều du khách tìm đến những địa điểm ít người hơn. Tôi không tin rằng họ sẽ quay trở lại nơi chỉ có mặt trời và bãi biển".

TSTtourist-nhieu-quoc-gia-chau-au-gap-kho-khi-mo-lai-du-lich-3Du khách chụp ảnh tại ngôi làng đá phiến Fajao, Pampilhosa da Serra, Bồ Đào Nha - Ảnh: Pedro Nunes/Reuters

Những "ngôi làng đá phiến" có tuổi đời hàng thế kỷ ở Bồ Đào Nha, được xây dựng từ đá của một vùng núi được bao phủ bởi cây thông, đang hồi sinh sau nhiều năm bị lãng quên. Bruno Ramos, đại diện một cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, cho biết lượng khách lưu trú qua đêm tại các ngôi làng đá phiến tăng 30% từ năm 2019 đến năm 2020-2021.

Sonia Cortes, người sở hữu một khách sạn 5 phòng nhỏ ở làng đá phiến Janeiro de Cima, cho biết mùa hè này tỷ lệ lấp đầy phòng tăng nhanh chóng. "Khởi đầu của đại dịch thực sự khó khăn đối với những người sống bằng nghề du lịch. Nhưng sau đó, người ở các thành phố lớn hơn tìm kiếm những ngôi làng như thế này, nơi họ có thể cảm thấy an toàn", Sonia nói.

(Nguồn: Trung Nghĩa (Theo Reuters), VN Express, Thứ năm, 10/3/2022, 16:34 (GMT+7))