Englishen

Người Trung Quốc đổ xô du lịch tránh nóng

Thứ hai, 18/07/2022, 14:35 GMT+7

Đối mặt đợt nắng nóng gay gắt trong mùa hè, nhiều người Trung Quốc tìm đến những địa điểm du lịch mát mẻ để thư giãn trong bối cảnh các quy định về dịch bệnh được nới lỏng.

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, đợt nắng nóng đang diễn ra ở nước này trải dài từ Thành Đô (Tứ Xuyên) đến Thượng Hải và ảnh hưởng tới hơn 900 triệu trong tổng số 1,4 tỷ dân của quốc gia này.

Nhiều khu vực ghi nhận mức nhiệt lên tới hơn 40 độ C, một số thành phố đông dân như Trùng Khánh, Thượng Hải cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, nhiều trường hợp bị sốc nhiệt, theo South China Morning Post.

Theo báo cáo của Tongcheng Travel và Moji Weather, tính đến 15/7, lưu lượng tìm kiếm trực tuyến cho từ khóa "tránh nóng" đã tăng 127% so với tuần trước, độ phổ biến của các từ khóa có liên quan đến nước cũng tăng đáng kể.

Wu, sống tại thành phố Quảng Châu, cho biết cô đã dành cả tuần qua ở vùng núi tỉnh Quý Châu, nơi nổi tiếng với nhiều thác nước.

"Nhiều người chọn Quý Châu là điểm đến du lịch hè năm nay vì những nơi khác đang rất nóng. Tình hình Covid-19 ở nơi này cũng không quá căng thẳng", Wu nói. Dù nhiệt độ ban ngày ở Quý Châu dao động quanh 30 độ C, con số này vẫn thấp hơn khoảng 5 độ C so với Quảng Châu và nhiệt độ ban đêm giảm chỉ còn 23 độ C.

Nhiều thành phố ở Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 7. Ảnh: Reuters.

Fiona Jia, nhà báo ở Bắc Kinh, lại quyết định lựa chọn một điểm đến cao hơn nữa là công viên quốc gia Xiata ở Tân Cương.

"Tất nhiên tôi cảm thấy bản thân đã thoát khỏi cái nóng ở Bắc Kinh. Thường sau khi hoàng hôn buông xuống, buổi tối và đêm ở Tân Cương khá mát mẻ. Ở trên núi lại càng mát hơn, thậm chí đôi khi thấy lạnh".

Gần như không thể đi du lịch nước ngoài do các quy định phòng chống dịch của Trung Quốc, những du khách muốn tránh nóng vẫn có thể di chuyển trong nước nhờ một số quy định đã được nới lỏng.

Yang Fuquan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam, cho biết trong tháng này, ông nhận thấy sự phục hồi lớn nhất về lượng khách du lịch ở khu vực xung quanh Lệ Giang cổ trấn, nơi nổi tiếng với các kiến trúc lịch sử và phong cảnh núi non.

"Đại dịch đã bước sang năm thứ 3, có nhiều người muốn ra ngoài du lịch và nhu cầu đi chơi từ các học sinh đang trong kỳ nghỉ hè cũng rất cao. Ngành du lịch ở Lệ Giang đang phục hồi và người dân nơi này rất vui mừng. Tuy nhiên, vẫn còn xa để có thể trở về mức như trước đại dịch. Cần thêm thời gian để mọi thứ hồi phục hoàn toàn".

Những điểm đến vùng núi với khí hậu mát mẻ đang được nhiều người Trung Quốc lựa chọn. Ảnh: Shutterstock.

Ông cũng cho biết việc nới lỏng các hạn chế đi lại giúp việc di chuyển liên tỉnh ở Trung Quốc dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đối với việc di chuyển đường dài, đặc biệt ở những nơi có ca mắc Covid-19. Ngày 17/7, Trung Quốc ghi nhận 580 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở 16 tỉnh.

Một số du khách cũng phản ánh mã sức khỏe của mình xảy ra vấn đề. Đây là hệ thống được dùng để đánh giá nguy cơ mắc Covid-19 tại Trung Quốc. Người dân cần có mã xanh để sử dụng các phương tiện công cộng hay được vào tham quan một số địa điểm.

Mina Wang, sống ở Thượng Hải, đã đến Công viên Rừng Quốc gia Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam vào ngày 15/7 cùng bạn bè. Tuy nhiên, ngày 17/7, mã sức khỏe một số người trong nhóm chuyển sang màu vàng vì hệ thống mã sức khỏe ở địa phương này không công nhận kết quả kiểm tra PCR của Thượng Hải.

"Nếu mã sức khỏe chuyển sang màu vàng sẽ gặp rất nhiều hạn chế và chúng tôi thậm chí không thể đến các cơ sở xét nghiệm thông thường mà phải đến các bệnh viện cụ thể được chỉ định 'cho những người có mã màu vàng'.

Trong trường hợp này, ngay cả khi bạn có thể thoát khỏi cái nóng ở Thượng Hải bằng cách du lịch thì cũng chẳng đáng bởi có thể gặp phải nhiều vấn đề với mã sức khỏe trên đường đi", Wang nói.
(Nguồn: Mai An, Zingnews, Thứ hai, 18/7/2022, 09:29 (GMT+7))