Cùng với các tín hiệu phục hồi, ngành du lịch Việt Nam đang bước vào cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn trên toàn quốc. Rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ đang ráo riết tìm kiếm lao động.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, năm 2020 các doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70 – 80%. Năm 2021, lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch gia tăng đầu năm 2022, đặc biệt là dịp Tết đã khiến "guồng máy" du lịch trên cả nước quay nhanh hơn, kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực. Ngành du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay, khi rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ráo riết tìm kiếm lao động.
Lễ tân đi chạy bàn, thừa xe thiếu tài xế
Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc công ty lữ hành VietSense Travel cho biết mặc dù vẫn giữ nhiều nhân sự nòng cốt trong suốt giai đoạn dịch bệnh, nhưng lực lượng này không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao, cũng như để công ty có sự chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm 30/4 và dịp hè.
"Công ty đang cần tuyển thêm nhiều vị trí, vì nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh khi khách đi tour. Tuy nhiên việc tuyển dụng khá khó khăn vì thiếu nhân lực, nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới như tư vấn bảo hiểm hay bất động sản" - ông Tài cho biết.
Tại Phú Quốc, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết lượng khách tăng đột biến dẫn đến thiếu hụt nhân lực, từ lưu trú, nhà hàng, lữ hành, khu vui chơi, vận chuyển… Cá biệt dịp cao điểm vừa qua, có nơi nhân viên lễ tân, quản lý hay cả lãnh đạo khách sạn phải đi chạy bàn, xử lý buồng phòng hay thừa xe nhưng thiếu tài xế.
"Dịch Covid-19 khiến nhân lực du lịch bị tổn thương rất lớn, nhiều người bỏ việc, bỏ nghề hoặc về địa phương nhưng không hoặc chưa trở lại Phú Quốc. Hiện các khách sạn, lữ hành đang tuyển dụng rất nhiều nhưng ứng viên thì ít. Nhiều lao động du lịch có kinh nghiệm, năng lực đều đã ổn định với việc làm mới. Sắp tới mở cửa du lịch quốc tế thì lại thiếu nhân sự đủ trình độ phục vụ khách nước ngoài. Các doanh nghiệp du lịch rất lo lắng về vấn đề này nên đang ráo riết tuyển dụng và đào tạo" - ông Nguyễn Vũ Khắc Huy nói.
Tại Quảng Nam, bà Trương Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, khách sạn TUI Blue Nam Hoi An cho biết kế hoạch nhân sự ban đầu là 400 người nhưng hiện chỉ có 150 người: "Với tình hình hiện tại, TUI Blue Nam Hoi An duy trì con số 140 -150 lao động chính thức. Khi quy mô hoạt động trở lại với công suất từ 30 - 50% thì lượng lao động sẽ tăng gấp đôi, tầm 250 - 300 người. Nếu công suất hoạt động trên 50% thì số lượng lao động cần phải tuyển thêm là từ 200 - 300 nhân sự".
Cuộc "đại tuyển dụng" của ngành du lịch
Theo ghi nhận của website tuyển dụng hoteljob.vn, sau Tết Nguyên Đán, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành du lịch tăng gấp đôi so với trước Tết, cũng là gấp đôi so với giai đoạn tương ứng trước Covid-19. Lượng truy cập website này cũng tăng mạnh như trước dịch Covid-19.
Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc công ty Santa (đơn vị vận hành nền tảng hoteljob.vn) cho biết đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến về tuyển dụng lao động du lịch, gần như đồng bộ với lượng người đi du lịch và nhu cầu đặt phòng tăng cao. Gần đây, mỗi ngày hoteljob.vn nhận hàng trăm thông tin và vị trí tuyển dụng với công việc buồng, bàn, bếp, lễ tân, bán hàng, tiếp thị..., cũng như khoảng 1.000 ứng viên nộp hồ sơ.
"Dịp đầu năm, nhiều khách sạn nhận lượng đặt phòng, dịch vụ tăng cao nên cần tuyển dụng để hoàn thiện bộ máy. Riêng lĩnh vực khách sạn, dịch vụ thì nhu cầu tuyển dụng gia tăng trên cả nước, đặc biệt là các trung tâm du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Quảng Nam, Đà Lạt, TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc… Đặc biệt là Đà Lạt đang hút nhân sự cả nước vì lượng du khách đều, phục hồi nhanh" - ông Lê Quốc Việt nói.
Theo ông Lê Quốc Việt, với đà phục hồi như hiện nay, nhiều khả năng ngành du lịch Việt Nam sẽ bước vào cuộc "đại tuyển dụng" trên cả nước: "Các khách sạn không thể đóng cửa mãi, thậm chí trong dịch Covid-19 nhiều cơ sở lưu trú vẫn được đầu tư và mở cửa. Quan trọng là thông tin mở cửa du lịch từ 15/3 và tâm lý yên tâm đi du lịch trở lại của người dân. Để đón mùa du lịch đầu xuân và dịp hè, các đơn vị sẽ thực hiện tuyển dụng từ tháng 2, tháng 3 để kịp đào tạo, củng cố bộ máy trước dịp 30/4 - 1/5".
Ông Lê Quốc Việt cho rằng việc tuyển dụng ồ ạt trở lại là dễ hiểu, vì chưa bao giờ ngành du lịch bị đóng cửa đột ngột, khiến cho hàng loạt lao động trong ngành mất việc làm như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Khoảng 60 - 70% nhân lực du lịch đã nghỉ việc và để lại khoảng trống lớn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng trên cả nước.
(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Năm, 17/02/2022, 14:14 (GMT+7))