Englishen

Nâng chất sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Đầu tư, phát triển những sản phẩm du lịch quen mà lạ

Thứ ba, 05/07/2022, 14:04 GMT+7

Trong năm 2022, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh xác định sẽ tập trung phát triển thị trường khách nội địa và nội đô thành phố với mục tiêu đón khoảng 25 triệu lượt khách.

TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách trong và ngoài nước

Để hoàn thành mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh không chỉ tập trung vào giải pháp xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn mà còn tăng cường kết nối với các tỉnh, thành khác để dần dần nâng cao chất lượng, dịch vụ sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh. 

Mặc áo mới cho điểm đến

Từ trước đến nay, du khách và người dân TP Hồ Chí Minh đã quen với những điểm đến ở khu vực trung tâm chứ chưa có nhiều thời gian tìm hiểu các sản phẩm du lịch tại các quận, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay để xây dựng các sản phẩm du lịch nội thành, du lịch ngoại thành vừa quen vừa lạ nhưng độc đáo, khác biệt để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với TP Hồ Chí Minh nhiều hơn. 

Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp quận Tân Phú cho ra mắt tour du lịch “Tân Phú - Đi là nhớ”. Điều này khiến nhiều người bất ngờ khi trước nay, Tân Phú chưa phải là một quận có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, với những điểm đến trong chương trình “Tân Phú - Đi là nhớ”, du khách trong và ngoài thành phố có thể tìm thấy những điều hấp dẫn mà Tân Phú mang lại.

Theo đó, du khách sẽ được ghé thăm địa đạo Phú Thọ Hòa, một công trình đầy sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lộc Hòa, Phú Thọ vừa được chỉnh trang, tu bổ và bổ sung nhiều hạng mục.

Tham quan chùa Pháp Vân được xây dựng năm 1965 để ngắm nhìn tòa tháp cao 14 tầng (64m) tại ngôi chùa này. Chùa Pháp Vân hiện đang nắm giữ ba kỷ lục Việt Nam, gồm: tượng Bồ Tát Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt (ở thế đứng) bằng đồng cao nhất Việt Nam; cặp kỳ lân bằng đá hoa cương lớn nhất; kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt được khắc lồng vào bộ cửa bằng gỗ sao lớn nhất.

Ngoài ra, du khách còn được thăm quan khu vực chợ vải sầm uất dọc tuyến đường Phú Thọ Hòa, Bảo tàng sâm Ngọc Linh - nơi trưng bày hơn 400 hiện vật về giống sâm quý của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh trải nghiệm chui hầm địa đạo tại quận Tân Phú

Ngoài quận Tân Phú đã “mặc áo mới” cho các điểm đến để thu hút du khách, nhiều đơn vị lữ hành đã bắt đầu khai thác những điểm đến mới tại các quận, huyện ở thành phố như Quận 5, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ, TP Thủ Đức…  Những sản phẩm du lịch này đã góp phần làm mới các điểm đến tại thành phố, mang lại trải nghiệm hấp dẫn mới lạ cho du khách.

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết vừa đưa vào khai thác một sản phẩm du lịch mới để du khách có thêm nhiều trải nghiệm khi khám phá những điểm đến "cũ mà mới" trên địa bàn. Sau khi ra mắt, tour du lịch này đã thu hút khá nhiều du khách trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Sắp tới, quận sẽ liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị để tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch để kéo du khách đến với quận nhiều hơn, đặc biệt trong dịp cao điểm du lịch hè. 

Nói về sản phẩm du lịch có tên “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn” , bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, sản phẩm du lịch được ra mắt nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu mỗi quận, huyện phát triển ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng theo yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh; từ đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm mới của TP Hồ Chí Minh để thu hút du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, sản phẩm du lịch này còn giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập khi quận đang có thế mạnh về du lịch văn hóa, ẩm thực, tâm linh...

"Chương trình du lịch “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn” mà Quận 5 giới thiệu đã đưa khách đến thăm quan di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Nguyễn Tất Thành, đến Sài Gòn và lưu trú tại căn nhà số 1-2-3 Bến Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, Quận 5) từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911. Trong ba căn nhà đó, có một căn được giữ lại làm di tích lưu niệm, tọa lạc số 5 Châu Văn Liêm. Điểm kế tiếp là di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) - nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương - nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây...", bà Trương Minh Kiều chia sẻ.

Khoảng 2.000 người dân TP Hồ Chí Minh và nhiều văn nghệ sĩ diện áo dài rực rỡ tham gia hoạt động đồng diễn áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1. Đây cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện tài nguyên du lịch TP Hồ Chí Minh có 366 điểm đến hấp dẫn, được đánh giá là có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa vật thể, tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể và tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trong đó, có 13 điểm đến được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tập trung ở các tài nguyên chính như sông Sài Gòn, rừng ngập mặn và biển đảo; 225 điểm đến hấp dẫn mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch văn hóa như các di tích văn hóa - lịch sử, nhà trưng bày văn hóa, bảo tàng, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ, làng nghề; 8 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống, những chương trình nghệ thuật; 120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch cùng với các công trình nhân tạo mang tính hấp dẫn du khách.

Phát triển 7 nhóm sản phẩm chủ lực

Sau khi khảo sát hàng loạt sản phẩm du lịch tại các quận, huyện và thành phố (TP) Thủ Đức, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua các quận, huyện và TP Thủ Đức đã phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch xây dựng hoặc làm mới loạt sản phẩm du lịch nhằm tạo nét khác biệt, mới mẻ cho từng sản phẩm du lịch đặc trưng  trong giai đoạn phục hồi để thu hút khách nội địa và quốc tế. Đây là những tour ngắn ngày, thay đổi liên tục để du khách tới TP Hồ Chí Minh không chỉ có những khu vực trung tâm mà thêm nhiều điểm đến mới, trải nghiệm mới ở các quận, huyện ngoại thành thành phố.

Để giữ chân du khách, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã tập trung khai thác những sản phẩm rất đặc trưng của mình. Đây là sự kết hợp cần thiết khi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp của nhiều ngành và cần có liên kết với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, quận, huyện...

Đến với huyện Củ Chi, du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch mới đi xe ngựa ngắm những cánh đồng lúa, vườn trái cây trĩu quả tại xã Trung An, huyện Củ Chi

“Về lâu dài, để TP Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến hấp dẫn, giữ chân được du khách, ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các quận, huyện, Thành phố cần đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa về vấn đề môi trường ở các điểm đến. Đồng thời, Thành phố cần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, có sức lan tỏa hơn nữa để người dân thành phố, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn những sản phẩm du lịch nội thành”, bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.

Dưới góc độ nhà doanh nghiệp đã khai thác các sản phẩm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, TP Hồ Chí Minh muốn trở thành tour khai thác lâu dài đón khách trong nước và quốc tế, cần sự liên kết giữa các quận, huyện để giúp sản phẩm du lịch trở nên đa dạng, phong phú hơn và còn giúp du khách có nhiều sự lựa chọn khi đến TP Hồ Chí Minh. Muốn vậy, TP Hồ Chí Minh cần khai thác những điểm đến đặc trưng không "đụng hàng", mới lạ, độc đáo và hấp dẫn hơn để khách có thể trải nghiệm cả ngày lẫn đêm chứ không chỉ là đến các điểm tham quan đơn thuần vào ban ngày như hiện nay. 

Chia sẻ về thông tin về định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch. Mỗi quận, huyện đều có những nét đặc sắc có thể đầu tư, phát triển thành điểm đến thú vị cho du khách gần, xa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố chỉ mới là điểm “trung chuyển” của du khách trong và ngoài nước mà chưa phát huy được tiềm năng của một điểm đến an toàn, hấp dẫn với những thế mạnh riêng của mình. Nhận ra được điều đó, từ đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, các quận, huyện lần lượt nâng tầm sản phẩm, "mặc áo mới" cho các điểm tham quan, điểm đến nhằm dần hình thành chuỗi giá trị du lịch đẳng cấp, thu hút khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã định hướng các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực như: nhóm sản phẩm du lịch về văn hóa - lịch sử, ẩm thực, mua sắm, giải trí và hoạt động về đêm, khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và y tế - sức khỏe. Từ đây, định hình các tuyến du lịch chính của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức gồm: city tour, tuyến trung tâm thành phố - hướng Đông thành phố (TP Thủ Đức), tuyến trung tâm thành phố - hướng Nam thành phố (Bình Chánh), tuyến trung tâm thành phố - hướng Tây Bắc thành phố (Hóc Môn, Củ Chi) và tuyến trung tâm thành phố - hướng Đông Nam thành phố (Nhà Bè, Cần Giờ). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang cùng các chuyên gia du lịch nghiên cứu thiết kế 42 chương trình tour gắn với các chủ đề: Sài Gòn xưa và nay, cảm xúc Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn.

(Nguồn: Hoàng Tuyết, Báo TTXVN, Thứ Sáu, 01/07/2022, 02:00 (GMT+7))