Englishen

Mong ngày Bùi Viện lại đông khách Tây

Thứ bảy, 19/03/2022, 09:18 GMT+7

Các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí trên phố Bùi Viện (TP.HCM) đều phấn khởi, rục rịch sửa sang để đón làn sóng du khách quốc tế sắp sửa quay lại sau dịch.

“Em ơi vào ngồi đi, chỗ thoải mái, toàn bộ nước uống đều giảm giá, một chai bia 30.000 đồng thôi”, chị Nhung, nhân viên quán bar trên phố Bùi Viện (quận 1, TP.HCM), nhiệt tình mời chào những vị khách đi qua.

Thế nhưng, suốt hơn hai tiếng vẫn không có vị khách nào ngồi lại quán. Nữ nhân viên không giấu được vẻ buồn chán khi trò chuyện với phóng viên về tình hình kinh doanh còn ảm đạm sau dịch.

“Ngày trước, khu này chủ yếu là khách Tây, họ tới đông, chịu chi nên bán được giá hơn. Bây giờ khách trong thành phố ít, đa phần là khách du lịch từ tỉnh khác tới chơi. Mặt bằng thuê một tháng đã hơn trăm triệu đồng, còn tiền trả nhân viên, đủ thứ chi phí mà bán chai bia 30.000 đồng cũng ít khách”, chị nói với Zing.

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-1Hơn 21h, phố Bùi Viện vẫn vắng khách

Biết tin Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 15/3, Bùi Viện có thể đón làn sóng khách nước ngoài trở lại, chị Nhung tỏ ra phấn khởi.

Tuy nhiên, chị cho rằng dù mở cửa, khách nước ngoài vẫn chưa sang ngay vì dịch bệnh vẫn còn và chi phí di chuyển quốc tế hiện tại cũng đắt đỏ hơn. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh tại Bùi Viện vẫn đang phải tìm mọi cách để thu hút khách hàng.

Bùi Viện chưa hồi sinh

Giống như chị Nhung, đa số chủ và nhân viên của các cơ sở kinh doanh ở “phố Tây” đều đang mong chờ sự trở lại của du khách quốc tế.

Sau hai năm, không khí của khu phố này có phần ảm đạm. Nhiều tụ điểm vui chơi không thể trụ qua dịch, một số nơi đã treo biển cho thuê mặt bằng.

Dù đã qua 21h, hơn một nửa dãy bàn trước quán nhậu của anh Thiệp (34 tuổi) vẫn còn trống chỗ.

Buông tiếng thở dài, anh nhớ lại thời điểm trước dịch, khi phố đi bộ Bùi Viện vẫn còn là tụ điểm vui chơi thu hút đông du khách trong và ngoài nước.

“Hai năm đại dịch là khoảng thời gian khó khăn với tất cả hộ kinh doanh ở khu phố này. Trước đây, du khách nước ngoài là nhóm khách quan trọng với chúng tôi do họ yêu thích đời sống đêm, ưa náo nhiệt và có mức chi tiêu cao. Thiếu vắng họ, hàng quán cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, anh nói.

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-2

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-3

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-4

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-5Các cơ sở kinh doanh trên phố Bùi Viện phải tìm cách để trụ qua giai đoạn khó khăn

Chia sẻ với Zing, anh Thiệp cho biết khu du lịch nội địa được mở cửa trở lại, lượng người tới vui chơi, ăn uống ở phố Bùi Viện đã tăng lên đáng kể, song chưa thể phục hồi như trước dịch.

Có những ngày, anh và đồng nghiệp phải dọn hàng từ 23h vì không có khách, trong khi trước đây phải bán đến gần sáng mới hết khách.

“Giờ, cảnh dòng người nối đuôi nhau dạo phố, khách hàng ngồi kín các quán bar ở Bùi Viện chỉ xuất hiện vào cuối tuần. Song, đó cũng chưa thể coi là đông như trước đây. Chưa có du khách nước ngoài, người dân cũng ngại đi chơi vì giá cả tăng cao nên chúng tôi cũng chỉ cố duy trì”.

Vì thế, khi nghe tin Việt Nam chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch quốc tế, anh Thiệp khẳng định tình hình kinh doanh sẽ khá lên rõ rệt hơn.

“Chúng tôi đã chờ tin vui này từ lâu! Nhiều cửa hàng, quán bar đang đóng cửa trên phố cũng rục rịch sửa sang, chuẩn bị hoạt động lại khi du khách nước ngoài đến Việt Nam”, anh nói.

Chờ khách Tây

Tháng 12/2021, Trần Văn Vinh (19 tuổi), nhân viên quán bar Knock Knock trên phố Bùi Viện, trở lại TP.HCM làm việc sau thời gian dài ở quê tránh dịch.

“Hai năm nay, vắng bóng khách nước ngoài nên không khí không thể nhộn nhịp như trước. Chỉ có ít khách Tây là những người bị mắc kẹt lại thành phố thỉnh thoảng tới Bùi Viện, nên việc kinh doanh khó khăn. Đặc biệt trong thời gian phong tỏa, nhiều quán phải gồng mình mới trả được tiền mặt bằng và trụ lại tới giờ”.

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-6Vinh mới lên TP.HCM từ cuối năm 2021 khi hoạt động kinh doanh của quán bar được mở lại

Vinh khá bất ngờ và hào hứng khi biết thông tin Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế.

“Nghe khách quốc tế có thể bay sang, cảm xúc đầu tiên của tôi là vui vì mọi thứ có khả năng hồi phục trở lại. Song tôi lo ngại rằng dù mở cửa, khách nước ngoài cũng chưa sang du lịch ngay vì dịch bệnh còn phức tạp. Ngày trước đa số là khách Tây, kinh doanh sôi động, bây giờ hạn chế hơn”.

Nam nhân viên cho biết trước đây, khách du lịch nước ngoài có mức thu nhập cao và thường chi mạnh hơn khi tới vui chơi. Từ khi dịch bùng phát, ngay cả khách Việt Nam cũng giảm mạnh vì sợ lây nhiễm.

“Dù mở cửa nhiều tháng qua, Bùi Viện vẫn chưa thể hồi sinh như trước. Trước dịch, đêm cuối tuần, ôtô không được phép chạy vào đường này vì quá đông. Nhưng giờ vắng hơn, ngày nào xe cũng chạy được, đến 21h mới bắt đầu có khách nhiều”.

Từ khi chuyển vào TP.HCM sinh sống và làm việc, ông Ivan (người Nga) coi phố Bùi Viện như một điểm đến yêu thích vào cuối tuần.

Khi có thời gian rảnh, vị khách này thường rủ bạn bè tới quán bar quen thuộc, thưởng thức vài chai bia và trò chuyện về cuộc sống.

TSTtourist-mong-ngay-bui-vien-lai-dong-khach-tay-7Ông Ivan (áo đen) cùng hai người bạn của mình ngồi uống bia tại phố Bùi Viện

“Tôi đã sống ở Việt Nam được 6 năm, nhưng mới vào Nam sinh sống được vài năm. Nhờ công việc freelancer, tôi đã đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống ở nhiều tỉnh thành. Song, TP.HCM đem lại cho tôi cảm giác sôi động nhất, đặc biệt là đời sống đêm ở đây”, ông Ivan nói.

Trước kia, ông và bạn bè thường phải chen chúc giữa biển người, cố gắng tìm một quán bar còn trống khi lên phố Bùi Viện vào cuối tuần. Điều này đã hoàn toàn thay đổi sau khi dịch bệnh ập đến.

“Tôi từng khá ngần ngại khi phải chen mình vào đám đông khi tới đây, nhưng giờ lại thấy có chút nhớ cảm giác ấy. Có lẽ do du khách nước ngoài chưa thể tới đây du lịch nên lượng người đến vui chơi cũng giảm mạnh. Đa phần bạn bè của tôi đã ở đây từ trước dịch”.

Ông Ivan cho biết bản thân hy vọng tình hình này sẽ thay đổi khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch nước ngoài trở lại.

“Thời gian đầu, có lẽ mọi thứ sẽ còn trúc trắc do tâm lý ngại dịch chuyển sau dịch, quy định cách ly và chi phí khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi thứ sẽ sớm tốt lên”.

(Nguồn: Đào Phương - Trang Minh, Zing news, Thứ bảy, 19/3/2022, 06:34 (GMT+7))