Englishen

Làn sóng thanh lý khách sạn tại Trung Quốc

Thứ tư, 06/07/2022, 15:13 GMT+7

Hơn 8.500 tài sản liên quan đến khách sạn tại Trung Quốc đã được đưa ra đấu giá, trên một nền tảng của Alibaba hồi đầu tháng 6.

Những quy định phòng chống Covid-19 vô cùng nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã khiến ngành khách sạn nước này thiệt hại ngày càng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đang phải rao bán khách sạn, hoặc chọn cách sáp nhập vào hệ thống lớn hơn với hi vọng bám trụ trong "bão Covid-19".

Tập đoàn Zhejiang SSAW Boutique Hotels vừa mở rộng quy mô lên hơn 300 cơ sở, sau khi mua lại 2 nhà điều hành khách sạn khác. Tương tự, chuỗi khách sạn BTG Homeinns Hotels đã tiếp nhận thêm 1.700 khách sạn vào cuối năm 2021, so với chỉ 800 đơn vị một năm trước đó. Theo đại diện BTG, các khách sạn độc lập đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng vì không đủ khả năng vận hành và thiếu nhận diện thương hiệu.

Nhiều khách sạn tại Trung Quốc lâm vào khủng hoảng - Nguồn: Reuters

Hồi đầu tháng 6, hơn 8.500 tài sản liên quan đến khách sạn tại Trung Quốc đã được đưa ra đấu giá trên một nền tảng của Alibaba. Rất nhiều trong số này là các khách sạn, nhà trọ ở thành phố nhỏ và vùng nông thôn vì không thể gánh nổi các khoản chi phí. Ở các thành phố lớn, một số khách sạn vẫn có thể duy trì hoạt động nhờ đón khách cách ly. 

Người dân Trung Quốc đang có xu hướng trì hoãn các chuyến du lịch dài ngày, vì sợ mắc Covid-19 và lo ngại bị cách ly. So với năm ngoái, lượng khách du lịch nội địa tại Trung Quốc sụt giảm liên tiếp trong những kỳ nghỉ lớn gần đây, như giảm 11% trong kỳ nghỉ Tết Đoan Ngọ, giảm 26% dịp Thanh minh và giảm 30% kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động. Du lịch MICE tại Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại, khi hàng loạt sự kiện hàng đầu bị đình chỉ hoặc chỉ tổ chức trực tuyến, như Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Hội chợ Canton) hay Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh.

(Nguồn: Hải Nam (Theo Nikkei Asia), VOV, Chủ Nhật, 03/07/2022, 12:30 (GMT+7))