Englishen

Kỳ nghỉ lễ 2/9 'dễ thở' trên khắp cả nước

Thứ hai, 05/09/2022, 08:37 GMT+7

Hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng trong kỳ nghỉ 2/9 đều có lượng khách giảm so với cao điểm hè và dịp 30/4, nhiều nơi khách chỉ bằng một phần ba.

Sau 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1 đến 4/9), ngoại trừ Phú Yên và Móng Cái (Quảng Ninh) ghi nhận lượng khách tăng đột biến, các điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cát Bà (Hải Phòng)... số lượng khách giảm rõ rệt so với dịp hè cũng như các kỳ nghỉ giỗ Tổ và 30/4, không có sự quá tải. Thay vào đó khách du lịch phân bố đều ở các địa phương, cũng như ở lại Hà Nội và TP HCM khá đông.

Các điểm nóng đã hạ nhiệt

Phú Quốc (Kiên Giang), một trong bảy địa phương có nguồn thu từ du lịch lớn nhất cả nước từ đầu năm 2022, trong bốn ngày lễ lượng khách đã giảm 33% so với dịp 30/4, ước đạt khoảng 85.000 lượt, chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Công suất phòng khoảng 65%.

Đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản sẵn sàng cho dịp lễ 2/9 nhưng khách du lịch đến Đà Lạt (Lâm Đồng) ít hơn nhiều so với kỳ vọng. Cơn mưa lớn kéo dài trưa ngày 1/9 khiến Đà Lạt ngập nặng ở khu vực trung tâm đã làm nhiều du khách chuyển hướng. Tỷ lệ kín phòng chỉ đạt mức trung bình 60%, trong đó công suất của các khách sạn 4-5 sao khoảng 70%.

Theo ông Lê Anh Kiệt, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, mùa hè lượng khách đến Đà Lạt cao, thời gian gần đây mọi người đi nghỉ cuối tuần nhiều nên đến kỳ nghỉ lễ 2/9, khách không tăng đột biến. Toàn tỉnh đón khoảng 85.000 lượt, bằng 80% so với dịp 30/4.

Khách du lịch đi tour đảo tại Khánh Hoà giảm mạnh so với dịp lễ 30/4. Ảnh: Bùi Toàn

Tại Nha Trang (Khánh Hoà), công suất phòng đạt 65%, lượng khách lưu trú khoảng 136.000 lượt người. Các khách sạn dọc đường ven biển Trần Phú đạt công suất khoảng 70-80%, nhưng những trục đường xa trung tâm tỷ lệ lấp đầy dưới 50%. Cả đợt nghỉ lễ chỉ có khoảng 6.500 lượt khách quốc tế, một trong những nguyên nhân khiến nơi đây tỷ lệ kín phòng còn thấp.

Đảo Cát Bà, huyện Cát Hải (Hải Phòng) chỉ đón khoảng 30.000 lượt khách, trong khi dịp nghỉ lễ 30/4 với thời gian nghỉ tương tự có hơn 100.000 lượt khách. Không có hiện tượng ùn tắc tại phà Gót như các kỳ nghỉ gần đây.

Xu hướng ở lại thành phố lớn và đi chơi ngắn ngày

Lễ 2/9 năm nay ghi nhận lượng người dân ở lại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM khá lớn. Vì thế, các điểm vui chơi trong nội đô và các thành phố du lịch gần như Vũng Tàu (gần TP HCM) hay Hải Phòng, Hạ Long (gần Hà Nội) cho chuyến đi 2 ngày là lựa chọn phổ biến.

Sở Du lịch TP HCM cho hay trong bốn ngày lễ khách du lịch ước khoảng 920.000 lượt. Công suất phòng của các khách sạn 3-5 sao trung bình đạt 75% và doanh thu du lịch khoảng 2.700 tỷ đồng. Các nơi như Suối Tiên, Thảo Cầm Viên, các khu vui chơi trong trung tâm như nhà thờ Đức Bà, đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện, công viên bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ... đều có lượng khách tham quan tăng khoảng 3 lần các kỳ nghỉ trước.

Dựa trên tiêu chí gần nơi cư trú, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút khách từ TP HCM và vùng lân cận. Lượng khách tắm biển trong 4 ngày nghỉ lễ ước khoảng 166.000 lượt khách, ở mức cao ngang kỳ nghỉ lễ 30/4.

Tương tự, tại Hà Nội, ghi nhận khoảng 422.000 lượt khách du lịch, doanh thu gần 1.300 tỷ đồng. Theo Sở Du lịch thành phố, ngoài các điểm đến trong nội thành, người dân cũng có xu hướng chọn một số điểm ngoại thành như làng cổ ở Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, làng nghề Bát Tràng, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân...

Với khoảng cách chỉ 120 km, thời gian di chuyển hơn một tiếng theo cao tốc, Hải Phòng hút khách từ Hà Nội và vùng lân cận. Tại Đồ Sơn, thời điểm 2/9 đúng dịp diễn ra Lễ hội chọi trâu truyền thống nên du khách đổ về đông, với khoảng 90.000 lượt người. Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ này, Hải Phòng còn hấp dẫn bởi food tour bằng tàu hoả. Khách đi tàu tham gia food tour đạt con số kỷ lục hơn 10.000 lượt (chiều Hà Nội đi Hải Phòng), trong đó cao điểm là ngày 1/9 với gần 3.600 khách.

Tại Hạ Long (Quảng Ninh), tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang đạt hơn 90%. Các tàu đưa khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long luôn trong tình trạng kín khách.

Những điểm đến mới nổi và 'mùa nào thức nấy'

Do bắt đầu vào mùa đẹp với lúa chín và khí hậu mát mẻ nên các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... đều đón lượng khách lớn. Lào Cai ước đạt 115.000 lượt, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chủ yếu khách đến Sa Pa và Y Tý. Khách du lịch tại Yên Bái khoảng 55.000 lượt, tăng gần 40% so với trước dịch năm 2019.

Tháp Nghinh Phong tại Phú Yên dịp 2/9. Ảnh: Bùi Toàn

Phú Yên, với nhiều điểm đến mới, đồ ăn ngon, các hoạt động kích cầu du lịch và lễ hội, đã thu hút lượng khách dịp 2/9 tăng 138%, đồng thời lượng khách lưu trú đã tăng 183% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi có Covid-19.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khánh thành ngày 1/9 tạo điều kiện thuận lợi để nhiều du khách Hà Nội và các vùng lân cận chọn điểm đến cho kỳ nghỉ 2/9 tại biển Trà Cổ, TP Móng Cái. Số lượt phương tiện qua cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ 15h ngày 1/9 đến 11h ngày 3/9 là hơn 24.000 lượt. Lượng khách đến Móng Cái đạt hơn 150.000 lượt, kỷ lục từ trước đến nay.

Theo nhận định của nhiều đại diện các Sở Du lịch như Kiên Giang, Khánh Hoà, Quảng Nam... du lịch đã bùng nổ dịp hè, kỳ nghỉ 2/9 sát ngày khai giảng là hai nguyên nhân chính khiến dịp lễ Quốc khánh không ghi nhận tình trạng quá tải tại nhiều nơi. Du khách được thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ hơn. Ngoài ra, sau Covid-19, nhiều người cũng muốn về quê thăm gia đình, một số khác thì cũng đã đi du lịch thường xuyên hơn, nên dịp nghỉ lễ này khách cũng dãn bớt, để chuẩn bị các kỳ nghỉ mới vào cuối năm.

(Nguồn: Nhóm phóng viên, VnExpress, Chủ nhật, 4/9/2022, 21:12 (GMT+7))