Englishen

Kinh nghiệm từ hành trình du lịch gần 90 quốc gia

Thứ năm, 09/12/2021, 09:33 GMT+7

Đã đi gần 90 nước và vùng lãnh thổ, Tiến Dũng thấy việc xin visa không khó, chỉ cần làm rõ lịch trình, chứng minh tài chính, công việc, không có tiền án...

Những ngày đầu tháng 12, Tiến Dũng đang vi vu khắp vùng đất của băng và lửa Iceland. Người đàn ông 35 tuổi khởi hành từ Nhật Bản, nơi đang sống và làm việc trong ngành công nghiệp xe hơi. Đây là chuyến đi đầu tiên của anh kể từ tháng 2/2020, do Covid-19. Năm ngoái, các quốc gia châu Âu hạn chế, kiểm soát chặt chẽ người đến từ châu Á, song bây giờ đã mở cửa chào đón du khách trở lại. Việc di chuyển cũng rất dễ dàng nếu có hộ chiếu vaccine, xét nghiệm âm tính nCoV trong 72h trước khi nhập cảnh và khai báo theo yêu cầu.

TSTtourist-kinh-nghiem-tu-hanh-trinh-du-lich-gan-90-quoc-gia-1Anh Dũng ở Vik, Iceland.

Anh ghé thăm làng Vik hay còn gọi là Vík í Mýrdal (4 ngày) và thủ đô Reykjavik (2 ngày). Mục đích chính là chiêm ngưỡng cực quang huyền ảo mà anh chưa may mắn được thấy trong lần đầu tiên đến Iceland cách đây nhiều năm. Tháng 12, nhiệt độ "băng đảo" xuống thấp khoảng âm 5 đến 2 độ C, tuyết rơi và mưa nên rất lạnh, dù vậy khung cảnh hiếm có vẫn khiến anh yêu thích nơi này. Sau dịch, đường phố nhộn nhịp vì sắp Giáng sinh, người dân chỉ cần đeo khẩu trang khi vào không gian kín, phương tiện công cộng như tàu, xe.

Trong chuyến đi này anh cũng thăm lại Anh, Pháp, Thụy Sĩ để tận dụng kỳ nghỉ. Đây là cách anh phủ kín 3 cuốn hộ chiếu trong suốt 12 năm qua.

Mong ước khám phá thế giới

Tiến Dũng chia sẻ, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của anh là tới Nhật Bản năm 2009, khi được công ty cử đi học. Tới đây, anh chỉ "cắm đầu" vào nghiên cứu nên không thể đi chơi, du lịch, không có ấn tượng đặc biệt nào về cảnh đẹp. Bù lại, việc học tập tại một cường quốc kinh tế giúp anh nhận thấy những khác biệt về tác phong làm việc chuyên nghiệp đã ăn sâu vào trong lối sống và văn hóa của họ. Điều này thôi thúc anh đi và tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ và cách sống của các quốc gia khác. Cùng trong năm, anh lần đầu đi du lịch nước ngoài theo tour, tới Malaysia, Singapore, sau đó lần lượt là các quốc gia Đông Nam Á.

Nhiều năm sau khi chính thức tới Nhật Bản để làm việc, anh tiếp tục du lịch châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Trong 7 năm, anh khám phá 44 quốc gia châu Âu và một số ở châu Phi nếu phù hợp với lộ trình, sau đó tới các châu lục khác. Tuy nhiên Tiến Dũng chưa được tới Nam Mỹ, nơi rất yêu thích.

TSTtourist-kinh-nghiem-tu-hanh-trinh-du-lich-gan-90-quoc-gia-2Hallstatt, Austria đầu mùa xuân tháng 2/2020.

Nơi đặc biệt nhất Tiến Dũng từng đến là Jerusalem, thành phố tranh chấp giữa Israel và Palestine. Anh tới đây khi căng thẳng giữa hai bên đang leo thang. Có chút lo lắng về sự an toàn, anh cho biết rất yêu thích Jerusalem, nơi có vẻ đẹp pha trộn giữa hiện đại và cổ kính. Cả thành phố được xây dựng bằng đá và có khu chợ bán đồ cổ như Ba Tư trong các cuốn sách anh đọc. Anh ấn tượng khi người dân Israel và Palestine sống chung hòa hợp trong một thành phố. Khi anh rời đi một tuần thì nghe tin có trận bắn tên lửa ở dải Gaza.

Ngoài ra, anh chủ yếu du lịch tại các thành phố, di sản thế giới và không tới những nơi quá xa xôi hay ở lại lâu, trong đó có những bãi biển như Phuket, Pattaya của Thái Lan; Guam (Mỹ); Cancun (Mexico); Bondi (Australia)... và leo núi luôn được ưu tiên. Kỳ quan thế giới anh ghé thăm là Đấu trường La Mã (Rome, Italy), Chichen Itza (Mexico), Kim tự tháp Ai Cập và Vạn lý trường thành (Trung Quốc). Hiện danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ anh đã tới là 87.

TSTtourist-kinh-nghiem-tu-hanh-trinh-du-lich-gan-90-quoc-gia-3Bagan, Indonesia năm 2017.

Kinh nghiệm du lịch quốc tế

Không giống nhiều người cùng độ tuổi, Tiến Dũng luôn có suy nghĩ phải cân bằng công việc và du lịch, thay vì sở hữu quá nhiều tài sản. Hàng ngày anh vẫn đi làm bằng tàu điện và không thấy cần thiết phải có ôtô, nhà cũng đang trả góp trong 35 năm. Anh tới nhiều quốc gia nhưng đều du lịch theo kiểu "nghèo": chỉ ở khách sạn tầm trung, săn vé máy bay, đi tàu điện để tiết kiệm chi phí. Anh chia sẻ, mục tiêu cho những chuyến đi là để khám phá chứ không chi tiêu vượt quá khả năng.

Mỗi năm anh dành khoảng một tháng cho các chuyến đi. Anh có 3 kỳ nghỉ trong năm và sẽ gộp chung với các ngày nghỉ phép để có chuyến đi kéo dài 1-2 tuần. Cách di chuyển của anh là tới lần lượt các thành phố theo vòng tròn, hoặc hình số 8 trên bản đồ. Ví dụ như Italy - Cairo (Ai Cập) - Jordan hoặc Paris (Pháp) - Marrakesh (Morocco) - Lisbon (Bồ Đào Nha)... Vì vậy trước mỗi chuyến đi, chuẩn bị kế hoạch chi tiết đi tới đâu là quan trọng nhất. Sau đó tại mỗi điểm, anh sẽ đặt vé máy bay, tàu, khách sạn cho điểm đến tiếp theo, không quên ghi chú lại giờ bay, cửa tàu bay... Trang web RometoRio giúp anh nhiều trong việc này.

TSTtourist-kinh-nghiem-tu-hanh-trinh-du-lich-gan-90-quoc-gia-4Lịch trình mà Tiến Dũng xây dựng trước khi đi du lịch. Cách di chuyển theo hình số 8 là đường kẻ đỏ trong bản đồ.
Anh cho biết việc xin visa cũng không quá khó như nhiều khách du lịch từng nghĩ, chỉ cần làm rõ lịch trình, chứng minh tài chính, công việc đang làm, nơi sinh sống và không có tiền án. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Uzerbekistan, Đài Loan không cần xin visa khi du khách xuất phát từ Nhật Bản; Qatar và Arab Saudi bảo lãnh visa nếu sử dụng hãng hàng không quốc gia của họ.

Ngoài ra khi xin visa khối Schengen để đi lại tự do giữa 26 quốc gia, bạn cần đến Đại sứ quán của nơi đầu tiên. Visa Schengen có thể giúp bạn tới Andorra (giữa Tây Ban Nha và Pháp) hay Monaco, Vatican, San Marino là những nước nhỏ trong Pháp và Italy. Anh lưu ý, khi du lịch Israel bạn không nên đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu, vì con dấu sẽ khiến bạn không thể đi tới các nước Hồi giáo như Ai Cập, Arab Saudi và Qatar.

Một số cách để làm giảm jet lag (hội chứng cơ thể do thay đổi múi giờ) là tập thức khuya vài lần trước khi đi nửa tháng. Khi lên máy bay, anh chỉnh đồng hồ theo giờ địa phương, cố gắng ngủ luôn theo giờ trùng khớp. Đặc biệt không uống bia, rượu hay cà phê trên máy bay. Khi đến nơi, nên phơi nắng và cố gắng thức đến 21h theo giờ địa phương.

Trên đường du lịch, anh không ngần ngại thưởng thức các món địa phương mà nhiều du khách có thể cho rằng khó ăn như của Ấn Độ, Hồi Giáo, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ... Anh cũng có sở thích thưởng thức phở Việt Nam ở mỗi nơi để so sánh, trong đó phiên bản tại Đức và Pháp gần nhất với hương vị truyền thống.

Tiến Dũng bị cướp khi đi tàu điện ở Madrid, Tây Ban Nha trong lần đầu tới châu Âu. Tất cả sự việc diễn ra trong vòng 30 giây khiến anh không kịp phản ứng. Tất cả số tiền mang đi đều mất. Anh phải tới Đại sứ quán Nhật Bản ở Madrid và được hỗ trợ vay 100 Euro trang trải 3-4 ngày trước khi có chuyến bay trở về. Trước đây anh luôn có suy nghĩ các nước châu Âu rất văn minh và an toàn, song đến mới biết ở đâu cũng có người xấu, đặc biệt nạn trộm vặt cũng phổ biến ở nhiều quốc gia như Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... Từ sau sự việc nhớ đời ấy, anh luôn cất kín hộ chiếu, thẻ tín dụng ở những nơi khó lấy trộm nhất và luôn giữ túi, balo trong tầm mắt khi tới nơi công cộng.

TSTtourist-kinh-nghiem-tu-hanh-trinh-du-lich-gan-90-quoc-gia-5Anh Dũng xem trận bóng giữa PSG và Club Brugge tại sân Le Parc des Princes ở Paris, Pháp ngày 8/12. Sân vận động đông đúc và sôi động với hàng nghìn khán giả.
Những ngày cuối năm 2021 này, Tiến Dũng đang ở Paris (Pháp) và sẽ kết thúc chuyến đi trong khoảng một tuần nữa. Sắp tới, khi du lịch quốc tế trở lại bình thường, anh sẽ hoàn thành mục tiêu đặt chân tới 100 nước, dành thời gian tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm trên website cá nhân về cách xây dựng lịch trình, điểm đến đẹp, lưu ý xin visa, đi lại ở các quốc gia...

(Nguồn: Lan Hương, VnExpress, Thứ năm, 9/12/2021, 07:24 (GMT+7))