Đa số đơn vị lữ hành cho biết lượng khách đặt dịch vụ, sản phẩm tour dịp Tết Dương lịch không lớn như năm trước.
"Ế lắm, chúng tôi mới chốt được vài đoàn", đại diện một công ty lữ hành có tiếng tại TP.HCM chia sẻ khi được hỏi về tình hình bán tour dịp Tết Dương lịch.
Dù được nghỉ Tết Dương lịch tối đa 3 ngày (từ 31/12 đến 2/1/2023), đa số du khách vẫn chọn các điểm đến gần hoặc ở nhà. Rất ít người chịu chi cho những chuyến đi xa.
Bà Hoàng Tuyết, Tổng Giám đốc Top One Travel, nhấn mạnh có nhiều người bán hàng "ôm phòng" dịp này đã phải nhờ cơ sở lưu trú đổi giai đoạn vì ế. Dù vẫn có những khách sạn phụ thu trong đợt Tết Dương lịch, không ít bên đã bỏ luôn quy định phụ thu dịp này để kích cầu, cứu số lượng đặt phòng ít ỏi.
"Tôi nghĩ lý do chính là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay quá gần nhau. Thường nếu hai dịp này gần nhau, xu hướng của khách sẽ là chọn đi chơi Tết Nguyên đán. Mức giá hai dịp không chênh quá nhiều và thời gian cũng thoải mái hơn", bà Tuyết cho biết.
Theo tìm hiểu của Zing, nhóm khách sạn 4-5 sao thường vẫn phụ thu cao gấp đôi ngày thường. Ngoài ra, họ cũng có thể yêu cầu phải đặt một buổi ăn tối nếu đi vào dịp Tết Dương lịch với chi phí khoảng một triệu đồng/người.
Những khách sạn khoảng 3 sao sẽ linh động trong khoản này hơn. Tuy nhiên, nhóm khách sạn từ 3 sao đổ xuống lại trong nhóm khá ế ẩm dịp này.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel, cho biết vào dịp Tết Dương lịch hiện nay, khách sẽ có hai xu hướng: thứ nhất là ở khách sạn 4-5 sao hoặc resort và thứ hai là ở nhà luôn. Dịp Tết Dương lịch chưa bao giờ là thời điểm nhộn nhịp của du lịch nội địa.
"Các năm trước dịch, khách quốc tế đến Việt Nam dịp này khá đông để đón Noel, năm mới và tránh rét. Khách Việt nếu không đặt phòng sớm có khi chẳng còn chỗ. Dù vậy, năm nay, lượng khách inbound vẫn còn thấp nên du lịch Tết Dương lịch tương đối ảm đạm", ông Đạt cho biết.
Đại diện công ty này nói thêm du khách đi chơi dịp này thường thuộc nhóm khá giả hoặc rảnh rỗi thời gian. Nhóm du khách tầm trung, thu nhập thấp hơn không thường du lịch Tết Âm lịch. Điều này khác so với dịp hè khi tất cả khách thuộc mọi tầng lớp đều cố sắp xếp thời gian để du lịch.
Mặt khác, Tết Dương lịch thường là dịp mọi người phải tất bật lo toan công việc cuối năm. Hai dịp Tết sát nhau khiến công việc của nhiều người còn bộn bề hơn nữa. Do đó, đa số vẫn sẽ chọn không đi chơi dịp này.
Đó là khẳng định của nhiều công ty lữ hành khi được hỏi về xu hướng du lịch của khách Việt trong dịp Tết Dương lịch.
Từ tình hình thực tế, đa số công ty xác nhận các điểm đến biển, nhiều cơ sở lưu trú như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... đều còn trống nhiều phòng. Trong khi đó, các điểm đến biển miền Bắc không được quan tâm nhiều do thời tiết lạnh.
Bà Phạm Phương Anh, Phó Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt, cũng xác nhận các điểm đến gần sẽ được du khách ưu tiên. Nhóm khách khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM sẽ có xu hướng đi Đồng Nai, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận) hay Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đại diện đơn vị này cho biết trong dịp Tết Dương lịch, nhóm khách du lịch xa sẽ ưu tiên khu vực phía bắc hơn. Họ muốn trải nghiệm cái lạnh miền Bắc dịp cuối năm. Các khu vực được yêu thích nhất là Đông Bắc và Tây Bắc. Dịp Tết Dương lịch, công ty cũng có 2 đoàn du lịch các tuyến này.
Ngoài ra, trao đổi với Zing, tổng giám đốc AZA Travel cũng nhận xét các điểm đến gần Hà Nội với "yếu tố đặc biệt" sẽ được quan tâm.
Một số điểm nổi bật có thể kể tới như Le Champ Tu Le Resort Hot Spring & Spa (Yên Bái) hay Serena Resort Kim Bôi (Hòa Bình). Cả hai điểm nghỉ dưỡng này đều trong tình trạng khan phòng và được yêu thích nhờ yếu tố "gần và có suối nước nóng".
(Nguồn: Anh Tú, Zingnews, Thứ tư, 28/12/2022, 07:02 (GMT+7))