Englishen

Du lịch Việt sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022

Thứ ba, 14/06/2022, 08:24 GMT+7

SEA Games lần thứ 31 vừa qua đánh dấu sự trở lại, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Có thể nói, đây là một kênh xúc tiến tại chỗ hiệu quả của du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đã có buổi trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động.

Theo thống kê đã có 7.500 khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp SEA Games 31. Ảnh: VGP

Trong dịp SEA Games 31 vừa qua đã đạt lượng khách quốc tế đến Việt Nam khả quan. Tuy nhiên, với con số này thì liệu rằng từ nay đến cuối năm 2022, du lịch Việt Nam có thể đạt mục tiêu đón khách quốc tế không, thưa ông?

- Theo thống kê đã có 7.500 khách quốc tế đến Việt Nam, bao gồm các đoàn vận động viên, quan chức, huấn luyện viên và người hâm mộ đã sang Việt Nam nhân dịp SEA Games 31. Trong thời gian diễn ra Đại hội, 12 địa phương diễn ra các môn thi đấu đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá du lịch thiết thực và hấp dẫn. Hiệu ứng từ các hoạt động, sản phẩm mới đã giúp ngành du lịch của mỗi địa phương tạo được ấn tượng tốt với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Nhiều đoàn vận động viên, du khách đã để lại nhận xét tích cực về dịch vụ của du lịch Việt Nam đã khẳng định uy tín, chất lượng, năng lực và thương hiệu của du lịch Việt Nam. Ấn tượng về đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam mến khách, du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn đã lan tỏa đến hàng triệu khách du lịch trong khu vực và thế giới.         

Trong năm 2022, ngành Du lịch dự kiến sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Chúng tôi hy vọng rằng, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành những chỉ tiêu đặt ra dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp vào cuộc của các Bộ, ngành có liên quan, cùng sự đồng lòng ủng hộ, hỗ trợ của các địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, kích cầu du lịch. Ngành Du lịch cũng tiếp tục bám sát mục tiêu, thúc đẩy hoạt động trong bối cảnh thị trường du lịch nội địa và quốc tế để đón nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ, bất cập trong việc đăng ký visa online…?

- Đối với các chính sách liên quan đến visa hiện nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan... đang áp dụng chính sách miễn visa đơn phương cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ để tạo sức cạnh tranh điểm đến, thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến. Vì vậy, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan theo thẩm quyền để xem xét có chính sách visa phù hợp trong thời gian tới.

Đồng thời, góp phần khôi phục và thúc đẩy du lịch phát triển trong tình hình mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư “làm mới” ngành du lịch dựa trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số...

Trong đó, cũng chú trọng đến sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau dịch bệnh. Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như Du lịch biển, đảo; Du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); Du lịch sinh thái (du lịch cộng đồng) và Du lịch đô thị (du lịch MICE).

Đặc biệt, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển như du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… Ngoài ra, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn lực du lịch cũng là bài toán cần nhanh chóng giải quyết khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện chỉ còn hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa; nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhiều nhân sự đã rời bỏ thị trường. Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tập trung nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới...

Tổng cục Du lịch sẽ có kế hoạch, xây dựng chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh cũng như hỗ trợ đơn vị lữ hành, kết nối với các tỉnh địa phương như thế nào trong 6 tháng cuối năm 2022, thưa ông?

- Nhằm thu hút khách quốc tế trở lại cũng như kích cầu du lịch nội địa, ngành Du lịch chắc chắn sẽ chú trọng vào triển khai 4 nhiệm vụ cụ thể gồm:

Xúc tiến quảng bá thu hút thị trường khách: Đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hướng tới thị trường khách quốc tế nhằm quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Trước mắt, tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Điều chỉnh định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam sao cho phù hợp tình hình xu hướng thị trường sau dịch bệnh, xác định điểm mạnh, sản phẩm đặc trưng của Du lịch Việt Nam. Từ đó làm mới lại mình, xác định lại đặc điểm khách hàng mục tiêu, nguồn khách để có chiến lược marketing hiệu quả.

Liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không tạo các sản phẩm phù hợp với thị trường và xúc tiến, giới thiệu tới thị trường nguồn; Định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia để xác định được điểm mạnh của Du lịch Việt Nam để có thể tiếp cận khách hàng mục tiêu, nguồn khách với những chiến lược marketing hiệu quả.

Sản phẩm du lịch: Tập trung đầu tư cho điểm đến để đáp ứng mục tiêu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc trưng. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các điểm đến, doanh nghiệp hàng không nhằm khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19.

Cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch: Củng cố chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch như tại thời điểm trước dịch bệnh, đảm bảo năng lực đón tiếp phục vụ du khách của các doanh nghiệp du lịch; Đầu tư điểm đến các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ… với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong du lịch: Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; Đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, đảm bảo  chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng; Thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch sau dịch COVID-19. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số cũng như phát triển du lịch Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Thanh Hương, Lao động, Thứ ba, 14/06/2022, 07:16 (GMT+7))