Englishen

Du lịch Việt Nam sẵn sàng đón khách

Thứ ba, 15/03/2022, 08:31 GMT+7

Hôm nay (15.3), Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Cả hệ sinh thái ngành du lịch từ hàng không, lữ hành cho tới lưu trú, các điểm vui chơi… đã sẵn sàng mở rộng cửa đón khách.

TSTtourist-du-lich-viet-nam-san-sang-don-khachDu khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An (Ảnh: MẠNH CƯỜNG)

Nhộn nhịp mở cửa bầu trời
Dự kiến sáng nay, ngay trong ngày đầu tiên Việt Nam chính thức mở bung du lịch, Vietjet cùng UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị giới thiệu và quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Tuyên Quang, đồng thời công bố lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn chưa từng có tại Việt Nam sẽ diễn ra ngay trong tháng 3 này. Song song, Vietjet công bố mở lại và tăng tần suất hàng loạt đường bay phủ khắp Việt Nam, đặc biệt là các đường bay đến và đi từ Phú Quốc, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng... ngay sau khi khai thác trở lại các đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia... Đây là động thái mạnh mẽ của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, nhằm đón đầu nhu cầu di chuyển, giao thương, du lịch của khách hàng trong mùa hè tới.

Thực tế, từ một tháng trước ngày chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, Việt Nam đã dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế điểm đến tần suất bay quốc tế. Thực hiện nhiệm vụ đi trước mở đường, các hãng hàng không đã lập tức triển khai loạt kế hoạch tăng tần suất, kết nối lại nhiều mạng bay sau 2 năm gián đoạn.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines (VNA), cho biết từ ngày 15.2, VNA đã khôi phục khai thác đường bay từ Malaysia với tần suất 1 chuyến/tuần và Hồng Kông 2 chuyến/tuần. Tiếp theo đó, để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ sau ngày 15.3, hãng đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế. Trước mắt, từ cuối tháng 3, VNA tăng tổng số chuyến bay lên 97 chuyến/tuần, khai thác tới hầu hết sân bay TP lớn của các nước, đồng thời mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore từ ngày 15.4.

Hôm qua (14.3), Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 25 của Bộ Chính trị. Sau đó, gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trước ngày 15.3 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền kế hoạch mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần “thích ứng, kiểm soát an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức triển khai các hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, thuận tiện cho khách du lịch.

Đến tháng 7, VNA tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Trung Quốc, Indonesia và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên đến hơn 160 chuyến/tuần.

“Trong suốt đại dịch, toàn bộ nguồn lực tàu bay, con người, hệ thống bán và chăm sóc khách hàng vẫn luôn được VNA duy trì. Lực lượng phi công, tiếp viên được duy trì đào tạo, phân bổ lịch bay hợp lý để đảm bảo năng định. Các máy bay cũng được chúng tôi bảo dưỡng, bảo quản định kỳ thường xuyên. VNA luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ hành khách nhanh chóng, thuận lợi bất cứ khi nào hành khách đặt chỗ và cất cánh bay quốc tế cùng VNA”, vị này khẳng định.

Mới đây, chuyến bay thẳng thương mại thường lệ mang số hiệu QH73, chặng Hà Nội - Frankfurt (Đức), do Bamboo Airways khai thác đã cất cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, chính thức khai trương đường bay thương mại thường lệ kết nối Việt Nam - Đức. Khẳng định thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một thời kỳ bùng nổ, mở ra những cơ hội đầu tư lớn cho nhiều lĩnh vực có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, như bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không, hay dịch vụ du lịch - golf… Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, thông tin sau đường bay thẳng tới Frankfurt, Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở rộng thêm mạng bay tại châu Âu mà gần nhất sẽ là đường bay thẳng tới Munich.

Có thể thấy, các hãng hàng không đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình hợp tác đa dạng với các địa phương, cơ quan du lịch, các công ty lữ hành… để luôn trong tâm thế sẵn sàng nguồn lực đáp ứng nhu cầu du khách, kích cầu du lịch khi Việt Nam chính thức mở cửa.

TSTtourist-du-lich-viet-nam-san-sang-don-khach-2VN chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ hôm nay (15.3) (Ảnh: Đ.H)

Đủ “đồ chơi” với nhiều trải nghiệm mới
Trong khi hàng không, lữ hành chờ sẵn vòng ngoài để đưa khách tới thì ở vòng trong, hệ thống lưu trú, điểm đến vui chơi giải trí cũng đang tất bật “bày tiệc” đãi khách.

“Tới đây, khi du khách quay trở lại các khu du lịch, vui chơi của Sun Group chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng với hàng loạt công trình, sản phẩm mới đã và đang được kiến tạo”, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group), hào hứng chia sẻ với Thanh Niên trước thềm mở cửa. Đánh giá cột mốc ngày 15.3 là tin vui mà cộng đồng du lịch đã chờ đợi từ rất lâu để đưa du lịch quay trở lại “quỹ đạo” phát triển vốn có như trước khi chưa xảy ra dịch Covid-19, bà Nguyện cho biết Sun Group đã sớm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày trở lại. Hơn 2 năm qua, dù ngưng hoạt động, song hầu hết các khách sạn, resort, khu du lịch, vui chơi giải trí của Sun Group trên cả nước vẫn tất bật với các chiến dịch “thay áo mới”, làm đẹp cảnh quan, bảo trì bảo dưỡng, kiến tạo thêm hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.

“Sun Group vẫn đang tích cực đẩy mạnh bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới tại hệ thống khách sạn, resort ở 3 miền để chuẩn bị đón lượng lớn du khách quay trở lại, đặc biệt là du khách quốc tế. Đơn cử, tại Đà Nẵng, Sun World Ba Na Hills đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị mở cửa vào ngày 18.3 tới. Dự kiến, một số hạng mục mới sẽ được ra mắt ngay từ đầu tháng 4 khi khu du lịch mở cửa trở lại. Các khu du lịch khác như: Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), Sun World Halong Complex (Quảng Ninh), New World Phu Quoc Resort (Phú Quốc)… cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại với diện mạo, cảnh quan, sản phẩm và dịch vụ vô cùng hấp dẫn”, bà Nguyện nói.
Tương tự, hệ thống Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, sản phẩm và nhân sự để đón khách quốc tế. Hiện nay, 45 cơ sở bao gồm 36 khách sạn, resort công suất trên 18.500 phòng khách sạn và biệt thự; 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, spa cùng các trung tâm hội nghị, ẩm thực... của Vinpearl tại những danh thắng du lịch nổi tiếng nhất đã đi vào hoạt động.

Ngoài ra, cung điện Hải Vương, một trong những thủy cung lớn nhất thế giới với tạo hình rùa biển khổng lồ, cũng có kế hoạch được ra mắt vào mùa hè năm nay tại công viên chủ đề VinWonders ở Phú Quốc. Dự kiến vào tháng 4, Vinpearl Submarine Nha Trang - tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn “vô cực” 360 độ đầu tiên và duy nhất trên thế giới sẽ chính thức ra mắt. Bên cạnh đó, công viên nước phá kỷ lục Đông Nam Á với số lượng trò chơi lớn nhất và khu Indoor Games ứng dụng công nghệ tối tân AR/VR cũng đồng thời đi vào hoạt động.

“Sau gần 3 tháng tham gia đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm, hệ thống nghỉ dưỡng Vinpearl của Tập đoàn Vingroup đã đón hơn 3.000 khách du lịch đến từ các quốc gia truyền thống Hàn Quốc, Nga... và cả các thị trường mới: Uzbekistan, Kazakhstan, Lào… Trong thời gian tới, Vinpearl sẽ tiếp tục đón các đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản, Lào…”, đại diện Vinpearl cho biết.

(Nguồn: Hà Mai, Thanh Niên, 06:25 - 15/03/2022)