Englishen

Du lịch Singapore đắt nhưng đáng

Thứ ba, 30/08/2022, 08:34 GMT+7

Sau dịch, nhiều ý kiến nhận xét Singapore đang trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, ông Keith Tan, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, nói số tiền du khách bỏ ra là xứng đáng.

Zing đã có cuộc trò chuyện với ông Keith Tan trong lần ông ghé thăm TP.HCM mới đây. Trong buổi trao đổi này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã nói về những vấn đề họ gặp phải để trở lại sau dịch. Đồng thời, ông Keith Tan cũng dành thời gian bàn luận về cuộc đua hút khách quốc tế giữa các nước châu Á.

Đắt nhưng đáng
Về vấn đề này, đại diện STB xác nhận hậu Covid-19, đảo quốc sư tử phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nhân sự.

"Lượng nhân viên làm việc trong các khách sạn không đủ. Để thu hút nhân sự, chúng tôi phải tăng tiền lương. Kết quả là giá phòng khách sạn cũng tăng lên tương ứng.

Singapore có thể đắt đỏ hơn một chút so với các địa điểm khác tại Đông Nam Á, nhưng điều này cũng phản ánh đúng bản chất của chúng tôi. Dù vậy, tôi vẫn mong giá vé máy bay có thể giảm xuống trong thời gian tới", ông Keith Tan nói.

Ông Keith Tan nghĩ số tiền du lịch Singapore "đắt nhưng đáng". Ảnh: Nguyễn Thanh Hùng.

Thực tế, từ trước đến nay, Singapore chưa bao giờ được xây dựng là điểm du lịch giá rẻ. Tuy nhiên, quốc đảo này có thể cung cấp các trải nghiệm tùy theo túi tiền của du khách.

Với 500 SGD, 50 SGD hay chỉ là 5 SGD, bạn đều dễ dàng tìm được một bữa ngon với mức giá mong muốn. Tương tự là khách sạn, họ có đa dạng phân khúc từ nhà nghỉ giá rẻ cho khách du lịch bụi (hostel) cho đến khách sạn 3 sao, 5 sao.

Theo người đứng đầu STB, điều quan trọng của một điểm đến là mang đến cho du khách đa dạng trải nghiệm. Ở chiều ngược lại, du khách cần chủ động tìm kiếm những trải nghiệm hợp túi tiền bản thân.

Ở cả hai vế, ông Keith Tan nhận định Singapore vẫn đang đi đúng hướng. Đảo quốc sư tử sở hữu những trải nghiệm du khách không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào. Đây là yếu tố quan trọng để du khách thấy chi phí bỏ ra khi đi du lịch Singapore thực sự xứng đáng.

"Bạn trả tiền để có cơ hội tham quan, trải nghiệm một địa điểm hiếm có khó tìm trên thế giới. Ví dụ, Singapore mới khai trương Bảo tàng Kem (Museum of Ice-cream) duy nhất ở châu Á. Chỉ một nơi khác trên thế giới có mô hình này là Mỹ", ông Keith Tan nói.

Sắp tới, Singapore cũng sẽ có sự kiện trải nghiệm theo chủ đề phim Avatar tại Gardens by the Bay. Đây sẽ là triển lãm duy nhất liên quan đến bộ phim này trên thế giới. Dĩ nhiên, Singapore cũng là nơi duy nhất bạn có thể đến để tham gia sự kiện này.

Trở lại sau dịch
Đại dịch Covid-19 là nỗi ám ảnh với ngành du lịch. Việc du khách than phiền về chi phí đắt đỏ ở Singapore có phần "lỗi lớn" đến từ đại dịch. Tuy nhiên, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, ông Keith Tan nghĩ "cơn ác mộng với ngành du lịch" đã đem lại những bài học quý giá.

Trong 2 năm đại dịch, Singapore nhận thấy mọi người bắt đầu chú ý nhiều hơn đến yếu tố bền vững. Khi ngành du lịch phục hồi, yếu tố này càng được quan tâm. Khi quyết định đặt dịch vụ ở điểm đến, khách giờ có xu hướng tự hỏi: "Khách sạn, hãng hàng không hay sự kiện này có đảm bảo yếu tố bền vững không?".

Nắm được yếu tố này sẽ là lợi thế giúp Singapore đẩy nhanh quá trình phục hồi, thu hút du khách sau dịch.

Singapore nhận ra nhiều bài học để đưa du lịch phục hồi. Ảnh: Unsplash.

Một khía cạnh khác quan trọng không kém là việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho du khách. Theo đại diện STB, đảo quốc sư tử hướng đến hình ảnh là "một điểm đến khiến du khách cảm thấy mình được quan tâm từ những chi tiết nhỏ nhất".

Ông Keith Tan nói với Zing: "Đây là 2 trong số những ý tưởng lớn chúng tôi muốn thực hiện ở tương lai".

Sau dịch, sự đòi hỏi về tính tiện lợi ở điểm đến của khách cũng cao hơn. Theo ông Keith Tan, du khách hiện thích ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh. Các điểm tham quan cần có quầy bán vé, check-in trực tuyến. Đẩy mạnh công nghệ cũng là cách mang đến nhiều khách hơn cho Singapore.

Về thách thức, vị lãnh đạo STB nhận định một trong những khó khăn lớn nhất đối là vấn đề phục hồi ngành du lịch là đường bay. Nếu các hãng hàng không không thể tiếp tục hoạt động và triển khai nhiều chuyến bay hơn, ngành du lịch Singapore sẽ rất khó duy trì đà phục hồi. Ít chuyến bay, giá vé sẽ tăng cao.

"Do đó, chúng tôi mong muốn có thể làm việc với các hãng hàng không, đối tác hàng không. Qua đó, sân bay Changi có thể tái kết nối đường bay giữa Singapore với các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm các thành phố ở Việt Nam", ông chia sẻ.

Cuộc đua của các quốc gia Đông Nam Á
Đại dịch không chỉ đem đến bài học cho Singapore. Các nước khác trong khu vực cũng đều có những bài học riêng. Khi mở cửa trở lại sau dịch, các quốc gia thường nhìn những nước đi trước để học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi đa số quốc gia trong khu vực đều đã mở lại, tất cả sẽ bước vào cuộc chạy đua để thu hút khách quốc tế.

Theo ông Keith Tan, một chiến dịch marketing thông minh (smart marketing) có thể trở thành lợi thế trong cuộc đua này.

Để có chiến dịch marketing thông minh, các quốc gia cần cho du khách thấy họ đã thay đổi thế nào. Liệu trở lại nước này hay tới nước kia sẽ thú vị hơn.

Du khách sẽ không muốn đến những nơi mang đặc điểm mà họ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Họ mong mỏi tìm kiếm những điểm đến mang bản sắc riêng.

Các điểm đến ở Đông Nam Á có thể liên kết để cùng nhau phát triển. Ảnh: Unsplash.

"Tôi nghĩ các thành phố như Hà Nội, TP.HCM hay Singapore cần truyền tải điều này thông qua các địa điểm tham quan, ẩm thực, văn hoá, người dân… để tạo lợi thế cạnh tranh lớn", ông chia sẻ.

Đặc biệt, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng. 20 năm trước, du khách có thể không coi ẩm thực là một trong những lý do để đi du lịch. Ngày nay, ẩm thực đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một trong những lý do quan trọng để du khách lựa chọn điểm đến.

Ông Keith Tan nói thêm: "Chúng ta sẽ có ưu thế nếu làm nổi bật các câu chuyện ẩm thực".

Việc thu hút được nhiều du khách sẽ giúp quốc gia đó hồi phục nhanh hơn sau dịch. Dù vậy, trong cuộc đua này, các đối thủ hoàn toàn có thể bắt tay nhau. Và ông Keith Tan thích ý tưởng đó.

Tổng cục trưởng STB nhận định quy mô hợp tác không nên quá rộng bởi có thể gây nhiều khó khăn. Đông Nam Á sẽ là phạm vi vừa phải.

Ông cho biết khi tới châu Âu, nhiều người ở đây khi được hỏi thường nghĩ Đông Nam Á chỉ có 3 điểm đến là Singapore, Bali (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, trong khu vực còn có nhiều địa điểm hấp dẫn khác như Việt Nam, một số thành phố khác của Indonesia, Philippines.

"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều thứ chúng ta có thể hợp tác để biến Đông Nam Á trở thành một điểm đến thú vị. Lợi thế của chúng ta là các thành phố thường có vị trí kết nối quốc tế trọng yếu như Singapore, Bangkok. Từ đây, chúng ta có thể dễ dàng kết nối du khách với các thành phố khác của Đông Nam Á", ông nói.

Theo ông, du khách đến từ châu Âu, Australia hay Bắc Mỹ có thể bay tới Bangkok hoặc Singapore. Họ dành một vài ngày ở đây rồi tiếp tục đến thăm các thành phố khác ở Đông Nam Á như TP.HCM. Việc di chuyển giữa Singapore và TP.HCM chỉ mất một giờ 40 phút, ngắn hơn so với thời gian từ Singapore đến Bali (3 giờ).
(Nguồn: Anh Tú, Zingnews, Thứ hai, 29/8/2022, 16:42 (GMT+7))