Englishen

Du lịch 'chạy nước rút' đón 5 triệu khách quốc tế

Thứ bảy, 08/10/2022, 08:38 GMT+7

Du lịch quốc tế bắt đầu vào mùa, nhiều địa phương tự tin đạt mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2022. Song, kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế vẫn là thách thức rất lớn với ngành du lịch VN.

Các thủ phủ du lịch rộn ràng đón khách
Liên tục đăng tải hình ảnh phục vụ các đoàn khách inbound từ Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Công ty Vina Phú Quốc, vui mừng thông báo thị trường khách quốc tế tới Phú Quốc đã khởi sắc. Sau khi nhiều đường bay thẳng giữa Phú Quốc và các TP lớn tại Ấn Độ được kết nối, lượng khách từ nước này tới “đảo ngọc” ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, Safari Phú Quốc, VinWonders, cáp treo Hòn Thơm… là những điểm đến mà thị trường khách Trung Đông rất ưa chuộng. Không chỉ đến Phú Quốc qua các chuyến bay thẳng, rất nhiều đoàn khách quốc tế nối chuyến tại Hà Nội hoặc TP.HCM cũng đều dành thêm thời gian để khám phá “đảo ngọc”. Ngoài ra, Vina Phú Quốc Travel đã nhận dịch vụ đón khách đoàn từ Mông Cổ, Thái Lan, Đài Loan và một số chuyến charter từ các thị trường khác, bắt đầu từ tháng 10 này. “Mùa cao điểm khách quốc tế đang diễn ra khá sôi động tại Phú Quốc”, ông Huy hào hứng chia sẻ.

Du khách nước ngoài tham quan chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TP.HCM)

Là một trong những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất mùa nghỉ đông của khách châu Âu, Đà Nẵng hoàn toàn tự tin vượt mục tiêu đón 180.000 lượt khách quốc tế trong năm 2022. Theo Công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, dự kiến đến cuối tháng 10, sẽ có hơn 1.200 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng với khoảng hơn 180.000 lượt khách, bằng chỉ tiêu ngành du lịch TP đặt ra cho cả năm.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, thông tin hiện nay, một số thị trường trọng điểm của Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản đã từng bước công bố biện pháp nới lỏng hạn chế nhập cảnh, bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR Covid-19... Điều này tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các thị trường cũng như thu hút khách từ các thị trường truyền thống có thế mạnh của Đà Nẵng. Thực tế, ngay từ đầu tháng 9 khi Hàn Quốc bỏ yêu cầu xét nghiệm và cách ly khi nhập cảnh, lượng khách từ thị trường này đã lập tức có tín hiệu tốt. Dòng khách từ Singapore, Thái Lan, Malaysia sau khi mở lại đường bay cũng đã ấm dần lên. Khách châu Âu, Úc, Mỹ tuy chưa nhiều nhưng đã rục rịch trở lại. Từ tháng 10, các đường bay thẳng kết nối Đà Nẵng - Ấn Độ và Đà Nẵng - Đài Loan sẽ mở thêm cơ hội đón dòng khách đa dạng hơn tới TP biển này.

Du khách nước ngoài tại Hội An

“Tháng 9, tháng 10 chưa phải mùa cao điểm khách quốc tế nhưng Đà Nẵng vẫn đang xúc tiến mạnh các điểm đến tiềm năng và ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường khách quốc tế đã hồi phục khoảng 20 - 30% so với giai đoạn cao điểm 2019. Hy vọng từ giờ đến cuối năm, tốc độ phục hồi sẽ tăng lên 50%”, ông Cao Trí Dũng kỳ vọng.

Là cái tên duy nhất góp mặt trong top điểm đến “hot” nhất mùa thu này với du khách Mỹ (do tạp chí nổi tiếng Condé Nast Traveler của Mỹ bình chọn), TP.HCM bắt đầu rộn ràng đón nhiều đoàn khách ngoại. Mới nhất, du thuyền cao cấp Le Lapérouse của Hãng Ponant (Pháp) chở theo gần 90 du khách “đại gia” đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Brazil… đã cập Cảng hành khách tàu biển - Cảng Sài Gòn (Q.4, TP.HCM).

Đoàn khách tàu biển đầu tiên đến TP.HCM hứa hẹn khai mở một mùa khách tàu biển bội thu cho TP lớn nhất cả nước. Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch TP.HCM dự kiến còn đón thêm vài đoàn khách tàu biển lớn với số lượng 200 - 300 khách/đoàn. Cùng với đó, nhiều đoàn khách đa dạng thị trường từ Mỹ, châu Âu tới Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan… đăng ký trước qua các công ty lữ hành bắt đầu khởi hành tới VN. Giống như Đà Nẵng, lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM cũng tự tin với mục tiêu đón hơn 2 triệu lượt khách ngoại.

Lấy chất lượng bù số lượng
Các tỉnh thành tấp nập đón khách, tuy nhiên, tính hết tháng 9, khách quốc tế đến nước ta mới đạt xấp xỉ 1,873 triệu lượt, giảm 85,4% so với cùng kỳ 2019 và mới đi được 1/3 chặng đường mục tiêu 5 triệu khách.

Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan về nguồn khách, song, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy đánh giá tốc độ tăng trưởng của thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa thể tăng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Nguyên nhân, VN mất 2 thị trường lớn nhất là khách nói tiếng Hoa và dòng khách Nga. Các thị trường mới dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan nhưng cũng đang ở giai đoạn đầu phát động, không thể nhanh chóng tăng trưởng vượt bậc. Để khách quốc tế phục hồi hoàn toàn thì có thể phải tới cuối quý 1, đầu quý 2 năm sau, khi các thị trường truyền thống của VN dần mở cửa và dòng khách mới từ Ấn Độ và các nước Trung Đông thật sự “ngấm” VN. Vì thế, mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch của năm 2022 khó đạt.

Theo ông Huy, hiện VN vẫn có lợi thế về kiểm soát dịch và tài nguyên sản phẩm đa dạng. Các thủ tục, quy định cũng không còn rào cản. Vấn đề lớn nhất là đẩy thật mạnh công tác truyền thông quảng bá, xác định rõ thị trường trọng điểm để có nhiều hơn các chương trình hội chợ tại điểm đến, xúc tiến cả 2 chiều để nhanh chóng nắm bắt các dòng khách mới màu mỡ, tiềm năng.

Tính nhẩm “deadline” cho ngành du lịch trong 3 tháng cuối năm, ông Cao Trí Dũng nhận định mỗi tháng đón 1 triệu khách quốc tế không phải quá khó đối với VN. Điều kiện là thị trường khách phục hồi tốt và các giải pháp được triển khai đồng bộ.

Cụ thể, trong bối cảnh nhiều thị trường khó khăn và cạnh tranh điểm đến gay gắt như hiện nay, quốc gia nào có chính sách thông thoáng về thị thực sẽ nắm lợi thế. Du khách không chỉ quan tâm đến mức chi phí cho thị thực mà quan trọng hơn là sự thuận tiện, thời gian và chủ động trong việc lên kế hoạch du lịch. Vì vậy, du khách luôn có xu hướng lựa chọn các điểm đến có độ mở cao về chính sách thị thực.

So với nhiều quốc gia trong khu vực, chúng ta vẫn chưa thực sự thông thoáng để thu hút đa dạng nhiều nguồn khách. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nên có sự thay đổi trong chính sách thị thực với du lịch quốc tế theo 2 hướng: Mở rộng diện miễn thị thực và có khung pháp lý thông thoáng hơn cho nhu cầu khách lẻ, nhóm gia đình, và khách muốn nhận thị thực tại cửa khẩu. Song song, tăng cường công tác quảng bá và tập trung tái kiến thiết hệ thống sản phẩm tốt.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng lưu ý định hướng của VN giai đoạn tới là không chờ dòng khách Trung Quốc quay trở lại mà chủ động đa dạng, xúc tiến, đi sâu vào các thị trường mới có khả năng phục hồi nhanh, doanh thu tốt. Trong đó, tiềm năng nhất là khách Ấn Độ. Tuy nhiên, không nên tập trung vào số lượng mà cần định hướng khai thác dòng khách cao cấp, các tỉ phú sẵn sàng chi tiền tổ chức những đám cưới xa hoa.

“Phân khúc này các điểm đến của VN đã làm rất tốt, đang có sức hút cao. Cần tận dụng lợi thế để hướng tới thị trường đẳng cấp, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Nếu khai thác tốt và tiếp tục giữ đà tăng trưởng của khách nội địa như từ đầu năm thì dù không đón đủ 5 triệu khách quốc tế, du lịch VN vẫn có thể đạt chỉ tiêu 400.000 tỉ đồng doanh thu năm 2022”, ông Cao Trí Dũng khẳng định.
(Nguồn: Hà Mai, Thanh Niên, 07:12 - 08/10/2022)