Sau khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, chính quyền và nhân dân nơi đây đã có nhiều giải pháp và hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy danh lam, thắng cảnh vô cùng đặc biệt này.
Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 7.000 ha ruộng bậc thang, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn. Trên độ cao từ 1000 - 2.000m, nơi máy móc và có khi cả trâu bò không lên được, nhưng bằng những nông cụ thô sơ, bà con người Mông cần cù tạo nên những khoanh ruộng từ vài chục đến vài trăm mét vuông, xếp tầng xếp lớp vươn lên giữa lưng chừng trời.
Đồng bào Mông phát triển du lịch gắn với ruộng bậc thang
Ông Chang Nủ Lử bản Lao Phu Khơ, xã Kim Nọi cho biết: Những thửa ruộng mới vẫn đang tiếp tục được khai khẩn, mở thêm; những thửa đã có thì bà con cùng nhau cố gắng giữ gìn. Quan trọng nhất là không để các thửa ruộng này mất đi nguồn nước, sụt lún bờ... dẫn đến hư hỏng hoặc hoang hóa.
Hiện nay để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đang ra sức sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ... Ngoài hai vụ lúa bà con còn trồng một số loại cây mới và rau màu để xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó cũng bỏ công sức thời tôn tạo từng thửa ruộng để phục vụ phát triển du lịch.
Ông Sùng A Sàng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền đến toàn thể bà con nhân dân không làm nhà ở vào khu vực quy hoạch ruộng bậc thang. Đồng thời những thửa ruộng hiện nay chưa được đẹp thì vận động bà con nhân dân tiếp tục tôn tạo để cảnh quan, môi trường của ruộng bậc thang ngày càng đẹp hơn.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Huyện triển khai các giải pháp bảo vệ và phát huy hơn nữa di tích để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Cụ thể là triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nguyên trạng vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; chú trọng tu sửa, chỉnh trang cảnh quan khu vực di tích; kết hợp duy trì lễ hội văn hoá cổ truyền như: mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây.
Ruộng bậc thang của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải hôm nay không chỉ là nơi canh tác đơn thuần mà thực sự trở thành một tài sản quý, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương...
(Nguồn: Đinh Tuấn, VOV, Thứ Năm, 03/03/2022, 11:24 (GMT+7))