Englishen

Doanh nghiệp và nhà quản lý bàn cách đón khách Trung Quốc

Thứ ba, 10/01/2023, 13:46 GMT+7

Hơn 200 doanh nghiệp cùng Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch và tỉnh Quảng Ninh ngồi tìm giải pháp thu hút khách Trung Quốc sau khi quốc gia này nới lỏng biện pháp chống dịch.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, chiếm 20% doanh thu toàn cầu - Ảnh: Quốc Nam

Ngày 9/1, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) diễn ra hội thảo "Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam" do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Hiệp hội du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Hội thảo diễn ra ngay sau khi Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn và quan trọng nhất thế giới - đã chính thức trở lại sau khi chính phủ nước này thông báo mở lại biên giới từ ngày 8/1.

Trung Quốc là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound (đưa khác ra nước ngoài) lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, nguồn khách lớn nhất này đã bị “đóng băng”, khiến nhiều điểm đến trên thế giới, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn.

“Vì thế, việc Chính phủ Trung Quốc mở cửa các cửa khẩu quốc tế từ ngày 8/1 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Trung Quốc mở cửa lại hoạt động cửa khẩu từ ngày 8/1 và nới lỏng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Quốc Nam

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về inbound và outbound. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá Trung Quốc là một trong những nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới. Các nước trong và ngoài khu vực đều có những đầu tư, biện pháp cạnh tranh, đẩy mạnh khai thác thị trường này.

Ông Khánh cho rằng khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp đã và sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch cho thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đường bộ, đường biển. Quan hệ hai nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố; kết nối hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước. Do đó, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc”, ông Khánh chia sẻ.

Móng Cái có nhiều lợi thế hút khách Trung qua cửa khẩu

Chia sẻ với Zing bên lề hội nghị, bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Móng Cái, cho biết địa phương có nhiều lợi thế trong việc hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc đi qua đường cửa khẩu.

Theo bà Oanh, việc hình thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long và Quảng Ninh - Hà Nội khiến cho việc di chuyển giữa vùng biên giới đến các trung tâm du lịch của Quảng Ninh và các tỉnh khách thuận lợi hơn.

Ngoài ra, khách du lịch khi đến Việt Nam qua đường cửa khẩu tại TP Móng Cái còn được tham quan, du lịch tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố vùng biên như đền Xã Tắc, Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Khu du lịch quốc gia Pò Hèn… hoặc du khách có thể tham giá những lễ hội âm nhạc - văn hóa - ẩm thực đầy bản sắc của người Việt ngay tại phố đi bộ, cụm du lịch mũi Sa Vĩ…

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Ảnh: Quốc Nam

“Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và du khách Trung Quốc đến du lịch Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, ngày 8/1 chúng tôi triển khai hệ thống Wi-Fi miễn phí và mã QR Code ngay tại khu vực cửa khẩu và một số tuyến, điểm du lịch để quảng bá du lịch”, bà Oanh chia sẻ.

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết trong những năm qua, từ trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, thành phố luôn luôn phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách hai nước làm thủ tục xuất nhập cảnh để du lịch.

Để thu hút hơn nữa khách du lịch, thành phố đang tiếp tục đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch, lữ hành và lưu trú. Ngoài ra, thành phố đang triển khai một số sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hướng tới du lịch trải nghiệm thành phố thông minh.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đề nghị hội thảo đề xuất cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách từ thị trường này, trong đó có cơ chế đặc thù trong việc đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ.

Quảng Ninh đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất các doanh nghiệp, giải pháp để đón khách đồng bộ; thành lập câu lạc bộ, hội nhóm phù hợp để kết nối các doanh nghiệp đón khách từ thị trường này.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn; đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Đồng thời, đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch...

Các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, kết nối lại thị trường; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch, đón các đoàn famtrip (du lịch tiếp thị), KOL (những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng) từ thị trường Trung Quốc...

Móng Cái triển khai hệ thống QR Code và Wi-Fi miễn phí ngay tại khu vực cửa khẩu xuất nhập cảnh để giới thiệu du lịch tới khách Trung Quốc - Ảnh: Quốc Nam

Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp.

Để sớm phục hồi lượng khách từ thị trường này trở lại mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đại dịch, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp lưu ý một số nội dung. Trước hết, trong bối cảnh có thể có nhiều biến chủng COVID-19 mới, cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể, đặc biệt là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch như tỉnh Quảng Ninh.

(Nguồn: Quốc Nam, Zing news, Thứ ba, 10/1/2023, 10:02 (GMT+7))