Ngày hội cua Cà Mau là một trong những sự hấp dẫn đối với những du khách đến vùng cực Nam Tổ quốc vào dịp tháng 9.
Chiều 9/3, UBND tỉnh Cà Mau ban hành chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”. Có 9 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được gắn kết với các chương trình quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Cà Mau.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết sự kiện trên sẽ giúp địa phương xây dựng hình ảnh phong phú, đa dạng về tiềm năng. Qua các sự kiện trong năm, tỉnh sẽ khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, gắn phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa, đặc biệt là hàng hóa đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị).
Ngày hội cua
Mở đầu cho chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” là lễ hội Nghinh Ông được UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức tại thị trấn Sông Đốc ngày 16-18/3. Từ 6/4 đến 10/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Cà Mau tổ chức lễ hội tri ân Quốc tổ, gồm giỗ Tổ, lễ viếng Đền Hùng và các hoạt động văn hóa, thể thao tại mũi Cà Mau.
Trong tháng 4, tại Cà Mau còn có chuỗi sự kiện họp mặt doanh nghiệp vá các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức. UBND TP Cà Mau cũng phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ngày 6-10/4.
Sự kiện “Hương rừng U Minh” sẽ diễn ra dịp lễ 30/4 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như liên hoan tiếng hát thanh niên, đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ, chạy việt dã, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, các trò chơi dân gian gắn với trải nghiệm vùng đất U Minh như thu hoạch cá đồng, theo chân thợ gác kèo ong lấy mật. Tổ ong lớn nhất Việt Nam sẽ được xác lập kỷ lục tại sự kiện này nhằm tôn vinh nghề gác kèo ong.
Đây cũng là lần đầu tiên cua Cà Mau được tôn vinh bằng sự kiện “ngày hội cua Cà Mau” trong tháng 9, tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. UBND huyện Năm Căn sẽ tổ chức hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ cua, hội chợ thương mại trưng bày các sản phẩm, đặc sản đặc trưng (vùng nước mặn, ngọt; sản phẩm OCOP); các trò chơi dân gian như đua tốc độ cua, thi trói cua, thi bắt cá thòi lòi, tham quan khu du lịch Khai Long, Đất Mũi.
Nguồn vốn cho du lịch cộng đồng chưa nhiều
Trao đổi với Zing, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau, cho biết khách du lịch đến với địa phương này nhiều trở lại từ khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ để mở cửa. Hiện, mỗi ngày Cà Mau đón khoảng 1.000 du khách từ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, còn khách theo đoàn đi tour chưa nhiều.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau vào tối 9/3, địa phương này phát hiện thêm 3.294 F0 mới. Dù số ca nhiễm Covid-19 tại Cà Mau tăng cao, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng không ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch.
Ngoài việc đến Cà Mau phải đi Đất Mũi, du khách còn chọn thêm các điểm du lịch khác là Hương rừng, Hoa rừng ở huyện U Minh và khu vui chơi giải trí Thư Duy, khu Lâm viên để tham quan vườn chim ở TP Cà Mau.
Một trong những loại hình đang được tỉnh Cà Mau khuyến khích phát triển là du lịch cộng đồng. Tỉnh Cà Mau từng có nghị quyết về chính sách phát triển du lịch nhưng do chưa có văn bản bản nguồn để hướng dẫn nên địa phương khó đưa ra con số cụ thể về mức hỗ trợ, loại hình và đối tượng hỗ trợ cho các mô hình du lịch.
“Thấy được những vướng mắc, chúng tôi chuyển hướng phát triển du lịch bằng cách giao cho các huyện và đoàn thể. Các đơn vị này căn cứ những nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình… để lồng ghép vào phát triển du lịch cộng đồng”, ông Hiếu Hùng chia sẻ.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cũng đưa ra các ví dụ về cách lồng ghép để phát triển du lịch. Trong đó, nếu địa phương đầu tư dự án hạ tầng giao thông thì cho ưu tiên đi ngang các tuyến có tài nguyên du lịch để phát triển ngành này.
Đối với các nguồn vốn khởi nghiệp sẽ dành cho phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch. Nguồn vốn hỗ trợ nông dân sẽ được tỉnh Cà Mau phối hợp làm làm du lịch nông thôn.
"Huyện Ngọc Hiển vừa làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau để chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân bằng cách bố trí các tàu đánh bắt thủy sản ven bờ hoạt động không hiệu quả để phục vụ nhu cầu tham quan ven bờ, kết hợp các tuyến tham quan điện gió”, lãnh đạo Sở VHTT&DL chia sẻ.
(Nguồn: Việt Tường, Zing news, Thứ năm, 10/3/2022, 10:57 (GMT+7))