Nghị viện châu Âu và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 20-5 đã đạt được thỏa thuận mở cửa du lịch ngay trong hè này cho du khách có thẻ thông tin sức khỏe kỹ thuật số, còn gọi là giấy thông hành.
Theo Hãng tin AFP, với thỏa thuận này, tất cả công dân của khối EU sẽ sở hữu thẻ thông tin sức khỏe kỹ thuật số vào cuối tháng 6. Thẻ này hiển thị tình trạng tiêm chủng vắcxin, kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.
Thẻ thông hành
Thỏa thuận trên còn đợi được chính thức thông qua tại một phiên họp đầy đủ của Nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra ngày 7 đến 10-6 tại Strasbourg (Pháp). Tuy vậy, nhiều khả năng thẻ thông hành dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.
Thẻ thông hành được thiết kế cho phiên bản kỹ thuật số dùng cho điện thoại, tuy nhiên cũng có phiên bản giấy. Các nước EU sẽ phải đảm bảo rằng thẻ thông hành phải hoạt động chính xác và có thể tương thích với các hệ thống của 27 nước thành viên.
Tấm thẻ này được coi là công cụ khả thi để mang kỳ nghỉ hè đến với công dân châu Âu, cũng như cho phép các quốc gia phụ thuộc vào du lịch tái mở cửa an toàn cho du khách. Thẻ thông hành của EU bước đầu chỉ được sử dụng để đi lại trong khối các nước châu Âu (Schengen) và có giá trị pháp lý trong vòng 12 tháng. Để gia hạn, cần phải thực hiện quy trình cấp lại từ đầu.
Hi Lạp tiên phong
"Tôi cảm thấy như được hồi sinh vậy" - Victoria Sanchez, một sinh viên 22 tuổi đến từ Cộng hòa Czech, nói với Hãng tin Reuters ngày 15-5 khi đặt chân tới Hi Lạp, sau hơn một năm chịu đựng các hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19.
Kể từ tháng 1, Hi Lạp đã gây sức ép cho EU thông qua thẻ thông hành kỹ thuật số, cho phép công dân châu Âu đã tiêm phòng đi lại dễ dàng hơn. Nhưng Athens không chờ được nên đã tự làm theo cách riêng của mình: mở cửa cho du khách quốc tế từ ngày 15-5.
Theo quy định của Hi Lạp, du khách từ danh sách 53 quốc gia có nguy cơ lây nhiễm thấp cần phải điền biểu mẫu một ngày trước khi du lịch, trong đó liệt kê nơi ở và giấy chứng nhận đã tiêm vắcxin, xét nghiệm PCR âm tính hoặc giấy xác nhận đã hồi phục khỏi COVID-19.
Ở Hi Lạp, bảo tàng đã mở cửa, giờ giới nghiêm chuyển từ 21h thành nửa đêm. Ngày 21-5, các rạp chiếu phim ngoài trời hoạt động trở lại. Để mở cửa sớm, Chính phủ Hi Lạp đang nắm trong tay 2 chìa khóa tương tự EU mà năm ngoái họ chưa sở hữu: xét nghiệm nhanh và tiêm chủng vắcxin. Theo Reuters, Hi Lạp có tỉ lệ tiêm chủng nhanh thứ năm trong EU, cứ 4 người Hi Lạp thì có 1 người đã tiêm ít nhất 1 liều vắcxin.
Trong năm 2019, Hi Lạp đón lượng du khách kỷ lục 31 triệu người, khiến nước này trở thành điểm đến du lịch phổ biến thứ bảy trên toàn thế giới. Nhưng năm 2020, Hi Lạp chỉ đón 7 triệu du khách, doanh thu từ du lịch giảm từ 18 tỉ euro xuống còn 4 tỉ euro. Du lịch đóng góp khoảng 20% nền kinh tế Hi Lạp nên năm nay chính phủ quyết tâm cải thiện lượng du khách, kỳ vọng đón lượng du khách bằng 40% năm 2019.
WHO kêu gọi thận trọng
"Đại dịch vẫn chưa kết thúc" - ông Hans Kluge, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu - ngày 20-5 nêu. Theo ông Kluge, vắcxin COVID-19 hiện đang được triển khai ở châu Âu dường như có thể chống lại các biến thể của virus corona. Dù vậy, ông khuyên các nhà chức trách y tế cần tiếp tục cảnh giác, nhất là với biến thể virus mới được phát hiện ở Ấn Độ.
"Chúng ta cần thận trọng, suy nghĩ lại hoặc tránh đi du lịch quốc tế" - quan chức WHO cảnh báo.
Có cần đeo khẩu trang sau tiêm vắcxin?
Theo tạp chí Vox (Mỹ), có nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn "người đã tiêm ngừa COVID-19 có thể tháo khẩu trang" của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) là quá sớm hoặc bỏ qua một số kẽ hở, nhưng nếu xét trong hoàn cảnh lý tưởng thì điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Tính đến ngày 26-4, CDC Mỹ báo cáo có khoảng 95 triệu người đã được tiêm ngừa đầy đủ, trong đó số người sau khi tiêm vẫn dương tính với COVID-19 là 9.245 người - tương đương 0,001% (1/100.000 người). Trong nhóm dương tính, 835 trường hợp phải nhập viện và 132 người không qua khỏi - nhìn chung rủi ro rất thấp.
Thống kê trên rất có ý nghĩa, bên cạnh nhiều nghiên cứu khác chứng minh vắcxin dùng công nghệ mRNA (của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech) có hiệu quả bảo vệ lên đến 85% (nghiên cứu của Anh), hoặc 94% (Israel).
Tuy nhiên, thực tế rất khó phân biệt người nào đã tiêm vắcxin trong một đám đông, nên các biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang vẫn còn cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Một lý do quan trọng nữa là nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiêm vắcxin còn tùy thuộc mức độ virus lây lan trong cộng đồng.
(Nguồn: Phúc Long, Tuổi Trẻ online, 22/05/2021 08:58 GMT+7)