Englishen

Bên trong cung điện gần 1.000 cửa sổ ở Ấn Độ

Thứ tư, 31/05/2023, 08:16 GMT+7

Cách thủ đô Delhi (Ấn Độ) 300 km, cung điện Hawa Mahal mang kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng. Nhìn từ xa, cung điện như một tổ ong khổng lồ với gần 1.000 cửa sổ nhỏ chi chít.

Hawa Mahal là một phần của khu phức hợp Cung điện Thành phố Jaipur. Theo các nhà chức trách Ấn Độ, khoảng một triệu người đến thăm cung điện này mỗi năm.

Nơi này còn được gọi là "Cung điện Gió" với 953 cửa sổ được trang trí công phu. Công trình được thiết kế nhiều cửa sổ để các quý cô hoàng gia thoải mái ngắm nhìn cảnh đường phố hay các lễ hội mà không bị dân chúng chú ý. Theo tiến sĩ Mahendra Khadgawat, Giám đốc Cơ quan Khảo cổ và Bảo tàng Bang Rajasthan, vào thời Trung cổ, các phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, phải luôn giấu mình trước ánh mắt của người dân.

Trong tiếng Hindi, "hawa" có nghĩa là gió và "mahal" có nghĩa là cung điện. Nhờ hiệu ứng Venturi (định luật nhiệt động lực học), các ô phức tạp trên cửa sổ được chia nhỏ và phân phối luồng không khí đều. Chính vì vậy, bên trong cung điện vẫn thoáng mát dù ngày hè nóng bức.

Cung điện được xây dựng từ đá sa thạch đỏ và hồng. Khi ánh nắng chiếu vào, Hawa Mahal càng thu hút ánh nhìn của khách du lịch. Theo hướng dẫn viên Sanjay Sharma, các tầng đã được chia theo mùa. "Một số tầng có cửa sổ được trang trí bằng kính màu", người này nói.

Kiến trúc sư Kavita Jain cho biết Hawa Hahal là "một công trình tạo nên kỳ tích về mặt kỹ thuật. Các yếu tố thẩm mỹ được áp dụng hài hòa để tạo ra một vùng khí hậu vi mô, tạo cảm giác thoải mái cho các nữ hoàng".

Du khách có thể đi vào khu vực sân trong để tận mắt trải nghiệm hiệu ứng làm mát tại cung điện. Hawa Hahal là ví dụ điển hình cho việc ứng dụng định luật nhiệt động lực học vào thiết kế.

Dù có vẻ ngoài bắt mắt, các căn phòng bên trong cung điện lại được thiết kế đơn giản.
(Nguồn: Minh Vi, Zingnews, Ảnh: CNN  Thứ tư, 31/5/2023, 08:08 (GMT+7))