Englishen

Bản người Vân Kiều ở tây Trường Sơn

Thứ ba, 14/06/2022, 15:35 GMT+7

Đến với bản Chênh Vênh, du khách được khám phá cuộc sống, văn hóa, ẩm thực và những thắng cảnh của người bản địa.

Thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, 100% người Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ. Du khách chụp ảnh trước nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều.
 

Từ tháng 4/2022, người Vân Kiều ở đây lần đầu làm du lịch sinh thái cộng đồng. Trong ảnh là phiên chợ nông sản cuối tuần, bày bán các sản phẩm sạch, đặc trưng của người Vân Kiều như măng rừng, mật ong, ớt... Phần lớn các sản phẩm này được họ trồng quanh vườn, hoặc thu hái từ rừng.
 

Chị Hồ Thị Huy (36 tuổi) đang làm món gà nướng muối ớt bán cho du khách tham quan phiên chợ cuối tuần. Gà do nhà chị Huy nuôi, chấm với muối hạt giã với ớt rừng.
 

Bữa trưa phục vụ tại khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh, với các món cơm nếp rẫy, gà và thịt heo nướng, các món luộc như ngô, khoai, sắn, măng rừng, bí đỏ...
 

Ngoài khám phá cuộc sống, du khách sẽ được người dân dẫn đi thăm các thắng cảnh gần bản, gồm thác Chênh Vênh, đồi Sa Mươi, rừng vầu, đèo Sa Mù... Trong ảnh là thác Chênh Vênh nằm giữa rừng nguyên sinh.
 

Đồi Sa Mươi (sương mù) nằm ở phía bắc đèo Sa Mù, là khu vực sinh sống cũ của người dân Chênh Vênh. Sau này, người dân chuyển về chân đèo Sa Mù để thuận lợi về giao thông.
 

Ngọn đồi này là một đồng cỏ rộng hơn 20 ha, nằm ở độ cao hơn 1.000 m nên rất mát mẻ, một điểm lý tưởng để ngắm mây bay giữa các đỉnh núi. Anh Hồ Văn Nhân (trái) đang giới thiệu cho nhóm du khách về lịch sử của đồi Sa Mươi. Lần đầu làm du lịch, anh Nhân cho hay bản thân và bà con dân bản không khỏi bỡ ngỡ, nhưng sẽ khắc phục dần. "Du lịch giúp gia đình tăng thêm thu nhập", anh Nhân nói.
 

Hiện nay, đây là khu vực người dân chăn thả gia súc và làm nương rẫy.
 

Trong tour, du khách cũng đến thăm, trải nghiệm rừng tre trúc bạt ngàn, rừng nguyên sinh có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Cánh rừng này rộng gần 1.000 ha, do chính người dân Chênh Vênh chung tay bảo vệ, giữ gìn.
 

Trong rừng nguyên sinh có rất nhiều cây cổ thụ to lớn. Ngoài cuộc sống làm nương rẫy hàng ngày, bản Chênh Vênh còn lập tổ bảo vệ rừng, hàng tuần đi tuần tra để gìn giữ cánh rừng.
 

Anh Hồ Văn Nhân, Tổ phó tổ quản lý du lịch cộng đồng Chênh Vênh cho hay gần hai tháng qua, thôn đón 15 đoàn với khoảng 2.000 lượt khách tham quan. Làm du lịch giúp cải thiện đời sống người dân theo hướng tốt lên, từ đó có kinh phí để việc bảo vệ rừng.
 

(Nguồn: Hoàng Táo, VN Express, Thứ ba, 14/6/2022, 14:29 (GMT+7))