Tỉnh An Giang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngành du lịch An Giang đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng thương hiệu du lịch An Giang hướng đến đáp ứng nhu cầu và thị hiếu du khách.
Tỉnh chú trọng thu hút khách du lịch văn hóa-tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng…; từng bước mở rộng thị trường khách du lịch và khôi phục thị trường quốc tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bậc nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có nhiều lễ hội, di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia và nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Chính phủ công nhận, tiêu biểu là Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (Châu Đốc), Hội đua bò Bảy Núi (Tri Tôn) hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch. Nguồn thu từ hoạt động du lịch tăng trưởng, đưa ngành du lịch là một trong hai mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh.
Thời gian qua, ngành du lịch An Giang đã nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách trong, ngoài nước, như phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê; các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, gồm tour tham quan lễ hội văn hóa truyền thống tại búng Bình Thiên; hội đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hàng năm tại huyện Tịnh Biên, Tri Tôn; du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vùng Thất Sơn…
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho thấy trung bình mỗi năm, An Giang đón trên 6 triệu lượt khách trong và ngoài nước.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2020 và doanh thu đạt 2.300 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành du lịch An Giang chỉ đặt mục tiêu đón 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.800 tỷ đồng. Riêng năm 2025, phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%; doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đến 2025, có thêm ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn là Long Xuyên, Châu Đốc.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết ngành du lịch tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách nội địa; trong đó, chú trọng thu hút khách du lịch văn hóa-tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn; từng bước mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí.
“Ngành du lịch An Giang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch các địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và thương hiệu sản phẩm du lịch. Tỉnh tập trung quảng bá các sản phẩm hiện có nhằm nâng cao tính cạnh tranh giữa các sản phẩm trong tỉnh, thúc đẩy sự hoàn thiện trong từng sản phẩm. Qua đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa bàn nhằm thu hút thêm du khách đến với An Giang,” ông Hiệp cho biết.
Thời gian tới, ngành du lịch An Giang sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ các mô hình như phát triển du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp truyền thống; phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống; phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ quan trọng, các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; có kế hoạch khai thác các tuyến đường thủy để đón khách quốc tế từ Campuchia; đầu tư xây dựng cảng du lịch, trạm dừng chân để trung chuyển khách…
Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. An Giang tiếp tục triển khai Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các công trình hạ tầng tại Khu Du lịch núi Sam, núi Cấm, Khu du lịch hồ Soài So nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng thu hút khách đến với An Giang./.
(Nguồn: Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+), 26/02/2022, 08:44 (GMT+7)