Nhật Bản từ lâu là quốc gia nổi tiếng với rất nhiều lâu đài đẹp cùng bề dày lịch sử, thu hút đông đảo du khách tới chiêm ngưỡng mỗi năm.
Theo CNN, có khoảng 5.000 lâu đài đã được xây dựng và gia cố trong thời kỳ Chiến quốc Sengoku của Nhật Bản (1467-1615). Mặc dù nhiều lâu đài đã bị san bằng theo lệnh của Mạc phủ Tokugawa trong thời kỳ Edo (1603-1868) và sau đó là cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, hơn 100 lâu đài vẫn còn tồn tại trên khắp đất nước này cho đến ngày nay. Ảnh: Shutterstock.
Lâu đài Hirosaki nằm ở tỉnh Aomori, lâu đài này được xây dựng vào năm 1611 dưới thời Mạc phủ Tokugawa, bao quanh bởi hào kiên cố. Bên cạnh kiến trúc nổi bật, Hirosaki còn thu hút du khách bởi hơn 2.600 cây hoa anh đào nở rộ xung quanh lâu đài vào mỗi mùa xuân. Lâu đài cũng là nơi diễn ra lễ hội đèn lồng tuyết hàng năm, thu hút hàng trăm nghìn du khách Ảnh: En-aomori.
Lâu đài Shuri-jo tại thành phố Naha (tỉnh Okinawa) được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14 bởi Vương triều Ryukyu. Kiến trúc của Shuri-jo chịu sự ảnh hưởng lớn từ các cung điện Trung Quốc với mái ngói màu đỏ cùng hình ảnh liên quan đến rồng được sử dụng để trang trí. Lâu đài đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh: Alamy.
Lâu đài Edo tọa lạc tại Tokyo, đây là một trong những công trình có kiến trúc lâu đời nhất Nhật Bản. Cung điện kiên cố được xây dựng đầu tiên vào thời Heian (794-1185). Đây cũng là nơi ở của các vị tướng quân dưới thời Edo. Ngày này, Hoàng cung Tokyo được xây dựng trên nền cũ của lâu đài Edo. Khu vực vườn phía đông Hoàng cung hiện mở cửa cho du khách tham quan. Ảnh: Istockphoto.
Lâu đài Matsumoto được xây dựng vào thế kỷ 16 theo lệnh của “người thống nhất vĩ đại” Nhật Bản - Toyotomi Hideyoshi, Matsumoto được bao quanh bởi bức tường đen kiên cố, đối diện dãy núi Alps phủ đầy tuyết. Phần lớn kiến trúc của lâu đài từ cầu thang gỗ, các tầng bí mật, chỗ bố trí cung thủ cho đến phòng ngắm trăng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Công trình này được coi là một trong những di tích lâu đời nhất còn tồn tại ở xứ sở hoa anh đào. Ảnh: Wallpaperweb.
Lâu đài Nagoya nằm ở tỉnh Aichi, được xây dựng như một trung tâm hành chính vào đầu thời kỳ Edo. Công trình đã bị phá hủy trong các cuộc ném bom trong Thế chiến 2 và đang được Chính phủ Nhật Bản cải tạo. Lâu đài nổi tiếng với tượng shachihoko (cá giống hổ) nhô ra từ đỉnh cao nhất và những mái dốc màu xanh bạc hà. Ảnh: Wallpaperweb.
Lâu đài Osaka là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đóng một vai trò quan trọng trong đỉnh cao của thời đại Sengoku. Lâu đài gồm 5 tầng, được xây dựng với mái ngói màu xanh bạc hà và các chi tiết trang trí bằng vàng, có nét tương đồng với lâu đài Nagoya. Bên trong Osaka có bảo tàng mô tả chi tiết về các samurai và lịch sử của khu vực. Ảnh: Reddit.
Lâu đài Nijo nằm ở thành phố Kyoto, lâu đài sở hữu nhiều đặc điểm nổi bật của kiến trúc phong kiến Nhật Bản như hào có chu vi rộng, cổng vào hoành tráng, các phần đồng tâm được ngăn cách bởi những bức tường đá gia cố và ván sàn phát ra tiếng kêu “chim sơn ca” để phát hiện kẻ xâm nhập. Ảnh: Alamy.
Lâu đài Inuyama có kiến trúc nguyên bản lâu đời nhất ở Nhật Bản, có niên đại từ năm 1580 và là một trong 5 pháo đài duy nhất được xếp hạng “Bảo vật Quốc gia”. Đây cũng là pháo đài đầu tiên thuộc quyền sở hữu của bạo chúa khát máu Oda Nobunaga, người đầu tiên cố gắng thống nhất Nhật Bản. Ảnh: Alamy.
Lâu đài Hikone: Giống như Inuyama, lâu đài Hikone cũng được xếp hạng là “Bảo vật Quốc gia” của Nhật Bản. Được xây dựng vào năm 1622 dưới thời Edo, nhiều công trình kiến trúc xung quanh lâu đài vẫn còn nguyên vẹn. Du khách có thể ghé thăm bảo tàng của Hikone, nơi trưng bày các hiện vật và tài liệu lịch sử của lâu đài hơn 400 năm tuổi. Ảnh: Alamy.
Lâu đài Bicchu Matsuyama: Được xây dựng từ thế kỷ 13, lâu đài Bicchu Matsuyama của tỉnh Okayama đến nay vẫn còn giữ được nguyên bản. Lâu đài ở độ cao 430 m so với mực nước biển - vị trí cao nhất so với hầu hết lâu đài khác ở Nhật Bản. Mùa xuân và mùa thu là thời điểm thích hợp cho du khách tham quan địa danh này khi có thể chiêm ngưỡng biển mây từ tòa lâu đài. Ảnh: Japanrailandtravel.
Lâu đài Himeji: Toà thành cổ 700 năm tuổi này toạ lạc tại trung tâm thành phố Himeji, thuộc tỉnh Hyogo. Himeji được mệnh danh "lâu đài của diệc trắng"- loài chim biểu tượng cho sự sự cao quý của người quân tử trong văn hóa Nhật Bản. Tường tòa lâu đài được làm bằng gỗ và phủ một lớp thạch cao trắng để chống cháy. Công trình này trở thành di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Nhật Bản. Đáng chú ý, lâu đài là địa điểm gắn liền với giếng nước Okiku, nơi được cho là trú ngụ của hồn ma người hầu gái Okiku. Cái giếng đã truyền cảm hứng cho bộ phim kinh dị Ringu (Nhật Bản, 1998) và The Ring (Mỹ, 2002). Ảnh: Alamy.
Lâu đài Matsue: Được xây dựng vào đầu những năm 1600 gần bờ hồ Shinji, Matsue là một trong những di tích duy nhất còn sót lại trên bờ biển miền trung phía tây của Nhật Bản. Điểm đến này thu hút du khách bởi những bức tường đen hùng vĩ cùng mái nhà nhiều tầng màu xám đứng sừng sững trên một con hào có vành đai xanh ở tỉnh Shimane. Bên trong lâu đài cũng trưng bày các tài liệu lịch sử, hiện vật như áo giáp và mũ chiến đấu của các samurai thời xưa. Ảnh: Alamy.
Lâu đài Kumamoto: Công trình kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ 15, là nơi ở của một số nhân vật lịch sử nổi tiếng và chứng kiến nhiều trận chiến trong lịch sử. Bức tường bên ngoài của lâu đài được xây dựng từ đá lửa có màu đen tương phản với sắc hồng của gần 1.000 cây hoa anh đào nở rộ xung quanh lâu đài mỗi mùa xuân. Ảnh: Alamy.
(Nguồn: Hoàng Vũ (Theo CNN), Zingnews, Thứ ba, 23/5/2023, 08:06 (GMT+7))