Englishen

10 lưu ý an toàn cho khách Việt khi đến Paris

Thứ tư, 23/03/2022, 08:42 GMT+7

Nguyễn Anh Lukas, 34 tuổi, sống tại Paris 6 năm chia sẻ về các biện pháp giúp du khách không bị trộm đồ khi ghé thăm kinh đô ánh sáng.

Dưới đây là 10 kinh nghiệm thực tế mà Lukas muốn chia sẻ với khách Việt Nam khi sang Pháp du lịch.

1. Điều đầu tiên mọi người đặc biệt lưu ý là không mang quá nhiều tiền khi rời khỏi nhà trọ, khách sạn. Các giấy tờ quan trọng nên để hết trong phòng, vì nếu bị móc túi mất giấy tờ, thủ tục làm lại rất phiền phức.

TSTtourist-10-luu-y-an-toan-cho-khach-viet-khi-den-paris-1Nguyễn Anh Lukas là nhiếp ảnh gia tại Paris. Ảnh: NVCC

2. Khách du lịch đến Pháp rất dễ nhận dạng, vì thường ăn mặc đẹp, sặc sỡ, mang nhiều đồ hiệu và tâm lý ít đề phòng trộm cắp. Ngoài ra, nhiều người thường trông "lơ ngơ" vì lạ lẫm khi đến một nơi xa lạ. Rất có thể, bạn đã bị kẻ gian để ý ngay ở sân bay. Điều bạn cần làm là phải cẩn thận ngay từ lúc này. Những tên trộm sẽ phân tán sự chú ý và lấy mất balo, túi xách của bạn ngay trên xe đẩy.

3. Đi tàu điện từ sân bay về khách sạn, du khách thường có tâm lý thoải mái khi đã ổn định chỗ ngồi sau một hành trình mệt mỏi. Chúng ta sẽ mất cảnh giác và đây là thời điểm kẻ trộm ra tay. Thường một nhóm người sẽ lại gần, bắt chuyện và sau đó, bạn nhận ra mình đã mất túi xách, vali từ lúc nào. Hành động này thường xảy ra ở những ga đầu tiên.

4. Hãy cẩn thận với những người bất ngờ tiếp cận, áp sát hay ngã nhào vào như kiểu vô tình. Đó cũng là lúc, bạn bị lấy đồ. Một người bạn của Lukas từng bị kẻ lạ liên tục ngã vào khi tàu đến đoạn cua và móc mất ví. Thật may, người bạn kịp phát hiện.

Một tình huống khác là khi khách qua cửa soát vé lên tàu. Lúc này, bạn mải tìm vé tàu hay loay hoay qua cửa, những kẻ móc túi sẽ áp sát giống hành khách khác đi từ phía sau chen lên. "Lúc này, bạn chỉ đơn giản nghĩ sao có người bất lịch sự thế. Nhưng thực tế, đó là kẻ gian. Tôi chứng kiến hai lần như vậy, thật may nhân viên soát vé tàu đã hét lên để kẻ xấu bỏ chạy", Lukas nói.

TSTtourist-10-luu-y-an-toan-cho-khach-viet-khi-den-paris-2Paris nhìn từ trên cao dưới ống kính của Lukas. Ảnh: NVCC

5. Nhiều trường hợp khách ngồi ghế gần cửa lên xuống bị giật điện thoại hay túi xách vào đúng lúc tàu đóng cửa nên không thể đuổi theo được. Nếu đi vào giờ cao điểm, nên cho tay vào túi quần, áo, túi sách hoặc giữ chặt đồ quan trọng. Kẻ gian thường đi 3-5 người tiện để che chắn và truyền tay nhau đồ ăn trộm. Tốt nhất, bạn nên ngồi vào ghế bên trong.

6. Luôn đeo balo đằng trước, hai tay ôm chặt. Bạn có thể đeo túi chéo và để túi ở phía trước. "Không để điện thoại và giấy tờ trong túi hai bên áo khoác, vì chỉ cần một một giây thôi là bạn sẽ không tìm thấy điện thoại nữa", Lukas nói.

7. Nếu bị dừng lại trên đường để xin chữ ký, hãy nói không rồi bỏ ra chỗ khác, vì bạn có thể là đối tượng móc túi hoặc xin tiền "đểu". "Bạn không phải người nổi tiếng để chúng xin chữ ký, nên hành động này là vô nghĩa. Chỉ đơn giản là bạn đang mắc bẫy thôi. Tôi từng chứng kiến một cặp du khách bị đòi 20 euro sau khi ký tên vào tờ giấy", Lukas giải thích.

TSTtourist-10-luu-y-an-toan-cho-khach-viet-khi-den-paris-3

8. Mùa đông, 17h30-18h trời đã tối. Khi đi vào ban đêm bạn cần phải quan sát, chú ý và nghe ngóng trước sau đề phòng nguy hiểm. Nếu phát hiện tiếng bước chân đi theo sau ở nơi vắng vẻ, tốt nhất bạn nên chạy thật nhanh.

9. Theo cá nhân Lukas, các vùng không an toàn là quận 18, 19, 20 và phía bắc thành phố. Vì vậy, du khách hay người thuê nhà trong khu vực này nên cẩn thận. Vùng ngoại ô cũng không an toàn (trừ một số khu vực giành cho giới nhà giàu). Nếu thuê nhà, bạn nên hỏi địa chỉ chủ nhà, rồi tìm kiếm trên Google maps. Nếu thấy ở khu vực ngoại ô nên suy nghĩ lại, đừng ham rẻ. Tiền nhà rẻ, nhưng tiền di chuyển, đi lại đắt và có thể bị cướp dọc đường.

10. Nhiều du khách có tâm lý bắt taxi, ôtô riêng đi lại trong thành phố thay vì phương tiện công cộng để tránh bị móc túi. Nhưng bạn sẽ phải đối diện với việc bị tắc đường hoặc không có chỗ đỗ khi vào trung tâm. Paris đang giới hạn tốc độ 30 km/h, nên đi bằng ôtô thậm chí còn chậm hơn cả xe đạp. Khách cũng không nên để đồ có giá trị trong xe. Nhiều vụ đập kính lấy trộm đồ có giá trị từng xảy ra.

"Tuy nhiên, Paris vẫn rất đẹp, vẫn là thành phố đáng để ghé thăm. Vì vậy, các bạn cũng không nên lo sợ quá mức. Chỉ cần chúng ta cẩn thận và tỉnh táo, mọi chuyện sẽ êm đẹp cả thôi", Lukas nhắn nhủ.

(Nguồn: Phương Anh, VnExpress, Thứ ba, 22/3/2022, 14:34 (GMT+7))