“Ùn ùn”, “đông nghẹt”, “nhộn nhịp”… là những từ được miêu tả tại nhiều điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Điều này cho thấy, nhu cầu du lịch nội địa đang tăng rất cao và là tín hiệu tốt cho thị trường du lịch trong năm 2022.
Hơn 2 năm trải qua dịch COVID-19, ngành du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những nỗ lực mở cửa trở lại gặp khó khăn do các điều kiện phòng chống dịch bệnh và tâm lý e dè của chính các du khách.
Tình hình năm nay đã khác, phục hồi du lịch được cho là một mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế. Đi cùng với đó là những quy định mở hơn, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào thị trường du lịch.
Chị Minh Hoà, một du khách ở Hà Nội có mặt tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) nói: “Thông thường mỗi năm gia đình tôi đi du lịch 2 - 3 lần, thành nếp rồi. Thế nhưng kể từ khi có dịch COVID-19, không chỉ gia đình tôi mà các bạn bè cũng phải gác lại sở thích này. Nghĩ cũng thương cho bọn trẻ. Thế nên khi dịch lắng xuống là chúng tôi thu xếp lên đường ngay. Tôi thấy lượng khách đông, chứng tỏ cũng có nhiều người suy nghĩ như tôi. Đây cũng là một đợt “thử nghiệm” để chúng tôi tính đến những chuyến đi xa hơn, dài ngày hơn”.
Còn tại Vũng Tàu, theo ước tính có hơn 37.000 lượt khách tắm biển. Bãi tắm quá đông, nhiều du khách bất chấp tín hiệu, tắm trong khu vực nguy hiểm, thậm chí "đu" người vào những cột cờ đen báo "ao xoáy".
Nhiều điểm du lịch tại Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng cũng ở tình trạng “cháy” phòng nghỉ. Đây là tín hiệu đáng mừng đặc biệt là du lịch nội địa
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, du lịch Việt bắt đầu lao dốc, so với năm 2019, Việt Nam mất 80% lượng du khách quốc tế; khách nội địa giảm 50%; ngành du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỉ đồng. Xét trên vĩ mô, nếu như năm 2019, tỉ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch đối với GDP là 9,2% thì con số này trong các năm 2020 và 2021 lần lượt là 3,58% và 1,97%. Cơ sở lưu trú du lịch cũng bị tác động nặng nề.
Qua thống kê cho thấy, có đến 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối đa...
Nếu nhìn vào dòng khách nội địa năm nay có thể thấy rõ những chuyển động. Con số thống kê cho thấy năm 2019, du lịch nội địa đón 85 triệu lượt khách (trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú qua đêm), năm 2020 giảm xuống còn 56 triệu lượt khách (28,7 triệu lượt khách lưu trú qua đêm), năm 2021, du lịch nội địa đón 40 triệu lượt khách (19 triệu lượt khách lưu trú qua đêm). Thế nhưng, riêng 3 tháng đầu năm 2022, đã có 26 triệu lượt khách đi du lịch nội địa, đặc biệt, lượng khách lưu trú qua đêm đã đạt 17 triệu lượt, nghĩa là gần bằng cả năm 2021.
Kỳ vọng vào doanh số 400.000 tỉ đồng
Du lịch được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là thành công vang dội năm 2019. Đó là năm du lịch Việt “đạt đỉnh” với 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%, 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%, và tổng thu 755.000 tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ USD theo tỉ giá năm 2019), tăng 18,5% (trong đó thu từ du lịch quốc tế là 421.000 tỉ đồng, chiếm 55,7%), đóng góp trực tiếp 9,2% GDP.
Dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021 khiến doanh thu ngành du lịch giảm mạnh. Trong đó, năm 2021 gần như du lịch “đóng băng” với doanh thu chỉ 180.000 tỉ đồng.
Sang năm 2022, với việc đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, du lịch Việt Nam đang tìm lại sức bật vốn có. Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng.
Đánh giá về con số này, lãnh đạo Tổng cục du lịch cho rằng, hoàn toàn có thể làm được nhưng cũng nhấn mạnh rằng ngoài những chính sách đột phá, những giải pháp tổng thể còn là sự vào cuộc đồng bộ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và những doanh nghiệp làm du lịch.
“Phép thử” qua kỳ nghỉ Giỗ Tổ
Hình ảnh các khu du lịch đông người cho thấy những tín hiệu rất khả quan, song cũng đặt ra những bài toán khó nhất là vào kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 sắp tới cũng như quãng nghỉ mùa hè.
Thực tế cho thấy, lượng khách đông, dồn dập trong kỳ nghỉ lễ vừa qua khiến du lịch ở một số địa phương rơi vào bị động đặc biệt là sự thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Ước tính có tới 2,5 triệu lao động du lịch bị ảnh hưởng và phần lớn số đó vẫn chưa quay lại do đã tìm được việc khác. Ngoài ra, không ít cơ sở lưu trú chưa chuẩn bị được nguồn vốn chỉnh trang, thay mới sau 2 năm “đắp chiếu”.
Cuối tháng 3, khi dự lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho hay, Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch.
“Chúng ta kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước" - Thủ tướng nói.
Để phát triển, người đứng đầu Chính phủ đưa ra 7 trọng tâm. Trong đó, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch; cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…; cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau.
Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua mới cho thấy tiềm năng phát triển du lịch nội địa sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Còn nhiều vấn đề để thúc đẩy và phục hồi ngành kinh tế quan trọng này, trong đó không thể bỏ qua yếu tố du khách nước ngoài bởi đây là nguồn thu chiếm tới 50% doanh thu của ngành.
Rõ ràng, những chính sách mới đã phát huy hiệu quả và sức sống của du lịch Việt đã được thấy rõ thông qua “phép thử” là chặng nghỉ ngắn của đợt lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.
(Nguồn: Linh Anh, Lao Động, Thứ ba, 12/04/2022 07:36 (GMT+7))